Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội trang bị hệ thống máy chụp PET/CT
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:02, 09/08/2017
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chính thức đưa hệ thống máy chụp PET/CT vào hoạt động. |
Cơ hội sống được cải thiện
Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (Globocal) và điều tra tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư ngày càng tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000, lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến vượt 190.000 ca năm 2020. Số ca tử vong vì ung thư là 94.000 ca mỗi năm. Bệnh ung thư xuất hiện ở mọi tầng lớp xã hội, lứa tuổi, khu vực địa lý và ngành nghề khác nhau. Hiểu được tính chất nguy hiểm của căn bệnh này, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội với đội ngũ hơn 400 cán bộ, y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết với nghề, luôn học hỏi và trau dồi kiến thức để đáp ứng yêu cầu chuyên môn và sự tin tưởng của người bệnh.
PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ: “Niềm tin và hy vọng” là những gì bệnh nhân ung thư cần để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này. Đây cũng là phương châm, là “kim chỉ nam” để mỗi nhân viên y tế bệnh viện nỗ lực không ngừng. Trong suốt quá trình hoạt động, bệnh viện đã đầu tư nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị y tế đạt tầm khu vực và thế giới. Nhờ những nỗ lực cộng hưởng này, bệnh viện đã thực hiện thành công các kỹ thuật khó trong điều trị ung thư như: Nút mạch gan, xạ trị điều biến liều IMRT... và gần đây nhất là triển khai kỹ thuật chụp PET/CT.
Hệ thống máy chụp PET/CT là dự án hợp tác giữa Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư y tế Hà Nội (CMI). Đây là một trong những thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng kỹ thuật y học hạt nhân hiện đại nhất hiện nay và đặc biệt có ý nghĩa trong điều trị ung thư. PGS.TS Trần Đăng Khoa lý giải, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tầm soát ung thư thông thường như: CT, MRI, X-quang hay siêu âm… chỉ phát hiện và đánh giá được các tổn thương đã có thay đổi về cấu trúc, giải phẫu, mật độ của tổ chức. Do đó, các phương pháp này thường gặp khó khăn hoặc dễ bỏ sót các tổn thương có đường kính nhỏ hơn 1cm. Trong khi đó, chụp hình toàn thân bằng PET/CT có thể phát hiện các bất thường về chuyển hóa, ghi được những hình ảnh bệnh lý còn sớm, còn nhỏ khi chưa có thay đổi cấu trúc. Kết quả chụp PET/CT phản ánh chính xác giai đoạn bệnh, giúp bác sĩ đưa ra quyết định về phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân, đồng thời giúp dự báo sớm kết quả điều trị và mức độ đáp ứng điều trị của một hay nhiều phương pháp. Từ đó, nâng cao chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân.
PGS.TS Trần Đăng Khoa cũng chia sẻ, người Việt vốn chủ quan và thường có những suy nghĩ tiêu cực về bệnh ung thư. Phần lớn đều cho rằng, ung thư đồng nghĩa với “án tử”, nó giống như một dấu chấm hết. Tuy nhiên, cơ hội chữa trị thành công bệnh ung thư vẫn hoàn toàn có thật và chiếm tỷ lệ cao khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đủ sớm. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đang đi đầu trong triển khai chương trình khám tầm soát phát hiện sớm ung thư với các gói khám cơ bản và nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân ở các điều kiện kinh tế khác nhau. “Chúng tôi hy vọng rằng, nhận thức của người dân về căn bệnh ung thư sẽ thay đổi và có sự chủ động hơn nữa trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nói chung và trong phòng, chống ung thư nói riêng” - PGS.TS Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Để người bệnh không phải ra nước ngoài
Có một thực tế hiện nay, nhiều người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư đã chi tiền tỷ ra nước ngoài khám, chữa bệnh, dù ở trong nước không thiếu bác sĩ giỏi, thuốc tốt. Lý do chỉ vì, cơ sở vật chất và dịch vụ chăm sóc y tế ở nước ngoài được đánh giá tốt hơn ở Việt Nam. Nhận thức rõ vấn đề này, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội luôn hướng đến kỹ thuật cao trong điều trị nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất với chi phí phù hợp và không ngừng cải thiện thái độ phục vụ, hạn chế việc người bệnh phải ra nước ngoài điều trị.
Bệnh viện đang bước vào giai đoạn hoàn thiện tòa nhà khám, chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao với 1 tầng hầm và 6 tầng nổi. Dự kiến khi đưa vào hoạt động vào tháng 11 năm 2017, tòa nhà sẽ cung cấp thêm 300 giường điều trị theo yêu cầu, nâng tổng số giường của toàn bệnh viện lên 700, đáp ứng cả về chất lượng và số lượng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân. Để giúp bệnh nhân có nhu cầu tiếp cận các chuyên gia nước ngoài mà không phải tốn kém chi phí đi lại và các chi phí đi kèm phát sinh, bệnh viện đang triển khai hệ thống hội chẩn từ xa (Telemedicine). Qua đó, bệnh nhân được hội chẩn với các giáo sư, chuyên gia hàng đầu tại các bệnh viện ung thư trên thế giới, nơi Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã đặt quan hệ như: Singapore, Hàn Quốc, Mỹ...