Cơ hội nào cho thí sinh trượt đại học đợt 1?
Giáo dục - Ngày đăng : 06:47, 10/08/2017
Bất cập trong cộng điểm ưu tiên
Vấn đề được đề cập nhiều nhất trong kỳ tuyển sinh năm nay là hiện tượng thí sinh được điểm cao nhưng vẫn trượt đại học. Chính sách cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh trong xét tuyển đại học hiện nay khiến cho thí sinh và dư luận có cảm giác không công bằng khi thí sinh có số điểm cao mà vẫn trượt.
Sinh viên nghe tư vấn tuyển sinh tại trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải. Ảnh: Thái Hiền |
Đơn cử như hai trường đại học y tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trường Đại học Y Hà Nội có hơn 82% số thí sinh đỗ ngành Y đa khoa nhờ điểm ưu tiên; nếu tính theo điểm thi thì trong tổng số 476 thí sinh trúng tuyển chỉ có 84 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ mức điểm chuẩn 29,25 trở lên. Tại Trường Đại học Y TP Hồ Chí Minh, trong tổng số 404 thí sinh trúng tuyển ngành Y đa khoa chỉ có 84 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi từ 29,25 trở lên, 320 thí sinh còn lại (79%) sẽ trượt nếu không được cộng điểm ưu tiên, trong đó có những thí sinh được cộng tới 3,5 điểm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tới gần 13 nghìn thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên (trung bình mỗi môn 9 điểm), chưa kể nhiều thí sinh đạt mức điểm thấp hơn nhưng được cộng điểm ưu tiên. Trong khi đó, có đến 332/336 trường tuyển sinh bằng căn cứ duy nhất là kết quả thi. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT nhận định: Bất cập bắt nguồn từ việc các trường tuyển sinh chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi, trong khi theo quy chế, các trường có quyền tổ chức tuyển sinh riêng hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh. Theo ông, các trường cần thay đổi phương thức tuyển sinh để chọn đúng thí sinh có đủ tố chất theo học ngành nghề phù hợp, chứ không đơn thuần là học sinh giỏi ở phổ thông.
Để những thí sinh giỏi thực sự ở các thành phố lớn không thiệt thòi, theo GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nên dành 50% trong tổng chỉ tiêu để lấy theo điểm từ cao xuống thấp, không kể vùng miền, 50% chỉ tiêu còn lại được chia theo tỷ lệ thí sinh các địa phương, ở mỗi địa phương sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp.
Cơ hội vẫn còn
Trong đợt xét tuyển đầu tiên, có 73% số trường tuyển được từ khoảng 70% chỉ tiêu trở lên. Như vậy, còn hơn 150 trường đại học, cao đẳng vẫn đang thiếu thí sinh, trong đó có 58 trường thiếu hơn 50% và 30 trường thiếu hơn 30% so với chỉ tiêu. Các đợt xét tuyển bổ sung sẽ được thực hiện từ sau ngày 13-8. Thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc trúng tuyển mà chưa nhập học, những em không đăng ký xét tuyển đợt 1 đều có quyền đăng ký xét tuyển bổ sung. Ở đợt tuyển sinh này, các trường được tự chủ hoàn toàn nên thí sinh cần theo dõi sát thông tin về điều kiện, thủ tục, thời gian nộp hồ sơ, thời điểm công bố kết quả… để kịp thời có sự điều chỉnh khi cần.
GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp - một trong số trường tuyển sinh nguyện vọng bổ sung - cho biết, trường tiếp tục tuyển sinh nguyện vọng bổ sung đối với 31 ngành đào tạo với cùng mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15,5 điểm. Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh bổ sung 340 chỉ tiêu cho 6 ngành đào tạo. Thí sinh có quyền chọn 1 trong 2 phương thức xét tuyển là xét theo điểm chuẩn đã công bố đợt 1 hoặc xét kết hợp giữa điểm thi THPT quốc gia và học bạ.
Trường Đại học Thủy lợi thông báo có 12/14 ngành xét tuyển bổ sung với tổng chỉ tiêu 990 thí sinh, trong đó hầu hết các ngành đều có mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 15,5 điểm, ngành kỹ thuật điện tử có mức điểm cao nhất là 17,0 điểm… Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 13 đến trước 17h ngày 21-8-2017.
Ở đợt xét tuyển này, nhiều trường tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT. Trường Đại học Lâm nghiệp tuyển sinh bổ sung hệ đại học ở tất cả các ngành theo phương thức xét tuyển học bạ với tổng điểm tổ hợp các môn xét tuyển theo học bạ lớp 12 đạt 18,0 điểm, các môn xét tuyển đạt từ 5,0 điểm trở lên. Trường Đại học Điện lực tuyển bổ sung 310 chỉ tiêu hệ cao đẳng với 11 ngành đào tạo cho các thí sinh có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương…
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý thí sinh cần vào website của trường để tải Phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh có thể đến nộp phiếu trực tiếp tại trường, nộp qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến tại địa chỉ www.thisinh.thithptquocgia.edu.vn. Dù nộp theo cách thức nào, thí sinh cũng cần lưu ý theo dõi sát thông tin của trường, tránh bị thất lạc hồ sơ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khuyến cáo: Hiện nay, một số trường đại học có tính cạnh tranh khá cao, nhưng vẫn thông báo nhận đăng ký xét tuyển từ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (15,5 điểm). Cần lưu ý, đây là ngưỡng tối thiểu, không phải điểm chuẩn vào trường, vì vậy, cần tìm hiểu kỹ thông tin liên quan. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường cần quy định ngưỡng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển gần với điểm chuẩn dự kiến hơn, để tránh gây hiểu nhầm đối với thí sinh và không gây khó khăn cho các trường tốp dưới.