Dân vận khéo để không phát sinh "điểm nóng"

Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 07:13, 10/08/2017

(HNM) - Nắm bắt kịp thời những vụ việc phát sinh trong nhân dân, tiếp tục thực hiện thành công các mô hình

Cán bộ MTTQ Việt Nam phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) vận động nhân dân ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh. Ảnh: Bá Hoạt


Hướng tới sự đồng thuận

Những phản ánh của người dân về cách ứng xử chưa đúng với chuẩn mực của cán bộ quận Thanh Xuân, hay tại UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) xảy ra mới đây đã được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội giải quyết nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Việc nắm bắt, xử lý kịp thời các vụ việc dân sinh bức xúc của thành phố đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận.

Thực hiện "dân vận khéo", hướng tới sự đồng thuận trong nhân dân là vấn đề từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Tại bài viết “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15-10-1949, Bác đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho…"

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều mô hình hay, cách làm mới đã được Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, trong những tháng đầu năm 2017, Ban Dân vận Thành ủy đã tiếp tục triển khai Chỉ thị số 12-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "dân vận khéo" trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Hệ thống dân vận đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phong trào thi đua "dân vận khéo", đăng ký mô hình "dân vận khéo" các cấp, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017". Công tác dân vận của các cấp chính quyền thành phố đã tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, nhiều mô hình “dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả tốt. Tính đến nay đã có 3.668 tập thể, 3.202 cá nhân đăng ký thực hiện mô hình "dân vận khéo". Trong đó, Ban Dân vận Quận ủy Đống Đa đã tham mưu thực hiện chuyên đề "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hiện quy chế dân chủ trong quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn quận giai đoạn 2016-2020".

Ban Dân vận Huyện ủy Quốc Oai lại phối hợp tham mưu thực hiện đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xử lý các vụ việc phát sinh phức tạp của công tác giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo...

Không để phát sinh "điểm nóng"

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, qua khảo sát bằng phiếu điều tra về việc xây dựng mô hình "dân vận khéo" tại 10 quận, huyện, thị xã; khảo sát thực tế tại 21 mô hình "dân vận khéo" tại 18 quận, huyện, thị xã đã cho thấy, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình hay, cách làm mới phát huy hiệu quả tốt tại địa phương, đơn vị.

Nổi bật là mô hình “Vận động hội viên Hội Nông dân tham gia nhóm sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” tại huyện Gia Lâm; mô hình “Đoàn thanh niên tham gia hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3” tại phường La Khê, quận Hà Đông hay mô hình "dân vận khéo" trong công tác tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính của Công an quận Cầu Giấy...

Tuy nhiên, trên thực tế, cấp ủy tại một số đơn vị vẫn chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của Chương trình hành động số 03-CTr/BDVTU của Ban Dân vận Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố về công tác dân vận. Đối với Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy, việc nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân còn chưa kịp thời; chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền coi trọng biện pháp dân vận trước khi áp dụng biện pháp hành chính trong giải quyết các vụ việc phát sinh trong nhân dân.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị năm 2017 của thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, mỗi cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận, tập trung hướng về cơ sở.

Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của thành phố, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường, nắm bắt tình hình nhân dân, làm tốt công tác dự báo diễn biến tư tưởng để kịp thời tham mưu, giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, không để phát sinh "điểm nóng".

Sự phát triển của TP Hà Nội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó rất cần những đóng góp xứng đáng từ hệ thống dân vận các cấp nhằm tạo đồng thuận trong nhân dân. Đây là nền tảng quan trọng, góp phần giúp thành phố đạt được những mục tiêu phát triển, giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hương Ly