Trở về tuổi thơ với nghề nặn tò he giữa lòng Hà Nội
Văn hóa - Ngày đăng : 00:47, 11/08/2017
Cái tên tò he xuất phát từ khi nào?
Ban đầu, tò he có nhiều tên gọi khác nhau như "đồ chơi chim cò" hay "con bánh" được người ta dùng để cúng mô phỏng theo hình thù của các con vật hay nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... được làm bằng chất liệu bột.
Sau này cái tên tò he xuất hiện do sự biến tấu của người thợ gắn thêm một chiếc kèn ống ở sản phẩm. Ở đầu chiếc kèn có quết thêm một ít mạch nha. Do vậy, khi thổi phát ra âm thanh "tò te", đọc lái thành "tò he".
Nét đặc biệt của nghề nặn tò he
Tò he không giống như những mặt hàng khác làm sẵn tại nhà rồi mang đi bán mà được làm ngay tại chỗ khi khách hàng yêu cầu, đây chính là một nét đặc biệt của riêng loại hình này.
Để làm ra được thành phẩm đẹp mắt đòi hỏi những người thợ làm tò he phải khéo léo, sáng tạo, chịu thương, chịu khó. Nguyên vật liệu được chuẩn bị trước, sau đó đến nơi định bán, người làm mới luộc bột và trộn màu. Công đoạn luộc bột tại chỗ nhằm đảm bảo được chất lượng, độ dẻo và sự tươi mới cho sản phẩm.
Món quà tò he được nhiều trẻ em ưa thích - Ảnh: Thùy Linh |
Dưới sự chứng kiến của những người mua, một sản phẩm tò he được làm chỉ trong vài phút. Việc đứng quan sát các nghệ nhân trổ tài quả thật là một điều thú vị và lôi cuốn người xem khiến ai cũng khó có thể rời mắt được. Món quà to he khiến nhiều trẻ em thích thú bởi những gam màu sặc sỡ và hình thù bắt mắt được tạo dưới đôi bàn tay thoăn thoắt khéo léo bất ngờ.
Nếu như trước đây các sản phẩm nặn tò he chủ yếu là hoa, quả, con vật hay những nhân vật trong bộ phim nổi tiếng như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới.. thì ngày nay, các nghệ nhân đã biến tấu chúng thành nhiều hình dạng khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị yếu khách hàng. Từ những nguyên hiệu hết sức bình dị của nhà nông như hạ gạo, lá rau... qua bàn tay khéo léo, tài hoa phút chốc đã trở thành những món quà độc đáo. Những sản phẩm tò he đa dạng và phong phú phục vụ nhu cầu thị hiếu khách hàng.
Nghề truyền thống "độc nhất vô nhị" nặn tò he ở Hà Nội
Nhiều năm trở lại đây, món quà tuổi thơ “tò he” dường như đã chìm khuất giữa vô vàn trò chơi hiện đại ngày càng xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn. Thế nhưng, giữa lòng Thủ đô ít ai biết rằng vẫn còn tồn tại một làng nghề truyền thống lưu giữ nét đẹp dân gian này.
Đó là một làng quê bình dị ẩn mình ở phía Nam Thủ đô Hà Nội - làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Tưởng chừng trải qua những giai đoạn chuyển mình to lớn của đất nước, những người dân nơi đây sẽ bỏ nghề nhưng nhờ mối nhân duyên đặc biệt với tò he họ vẫn không ngừng sáng tạo, thổi hồn vào mỗi sản phẩm để trụ lại với nghề.
Hầu hết cả làng Xuân La ai ai cũng biết nặn tò he, từ em bé cho tới những cụ già lớn tuổi. Họ giống những chú ong chăm chỉ, ngày ngày có mặt trên khắp các nẻo đường mọi miền đất nước để giới thiệu, lan tỏa nghề nặn tò he tới mọi người. Không chỉ dừng lại ở đó, những sản phẩm tò he vượt qua biên giới xuất hiện ở các chương trình giới thiệu, trao đổi văn hóa đã tô đậm thêm nét đẹp văn hóa Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Mỗi ngày, những con tò he vẫn không ngừng ra đời dưới những đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của nghệ nhân làng Xuân La. Món đồ chơi này không còn chỉ dành cho trẻ em mà cũng đã trở thành một nét đẹp trong nền văn hóa của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.