Mở đường để không gian sáng tạo phát triển

Văn hóa - Ngày đăng : 06:49, 11/08/2017

(HNM) - Hiện nay, có khoảng hơn 40 không gian sáng tạo đang hoạt động trên cả nước, thu hút hơn 100 nghìn người tham gia.

Hoạt động thực hành nghệ thuật tại Creative Lab by UP.


Muôn hình, muôn vẻ

Khoảng mười năm về trước, khái niệm về không gian sáng tạo vẫn còn khá lạ lẫm, nhưng trong thời gian gần đây, những không gian nghệ thuật như Heritage Space, Hanoi Creative City (Hà Nội); The Factory, Sàn Art (TP Hồ Chí Minh), NewSpace Art Foundation (Huế)… đã trở thành địa chỉ quen thuộc của công chúng.

Creative Lab by UP nằm trong khuôn viên của Hanoi Creative City là một ví dụ. Với diện tích khoảng 500m², đây là không gian thử nghiệm độc đáo dành cho những người “khởi nghiệp”. Địa điểm này luôn sôi động bởi hoạt động cắt may, tiện gỗ, cắt 3D… Bùi Cẩm Vân, Giám đốc điều hành Creative Lab by UP chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo một phong trào chia sẻ trong cộng đồng. Có những bạn trẻ ấp ủ ý tưởng nhưng không có điều kiện để thực hiện thì tại đây, họ được sử dụng những thiết bị tối tân để thực hành. Một nhà thiết kế thời trang, một nghệ nhân mỹ nghệ… có thể xuất hiện lắm chứ”.

Có chút khác biệt, Tổ hợp học tập sáng tạo Toa Tàu tại TP Hồ Chí Minh được đặt trong những toa tàu nối liền với phương châm “Dùng nghệ thuật làm phương tiện, lấy giáo dục làm trung tâm”. Qua những khóa học nghệ thuật ngắn ngày, những buổi thực hành, trao đổi văn hóa…, mỗi thành viên Toa Tàu mong muốn đánh thức tình yêu nghệ thuật của cộng đồng. “Biết đâu từ đây họ sẽ được khơi mở, tạo ra những giá trị mới cho cuộc sống”, Đỗ Hữu Chí, người sáng lập không gian chia sẻ.

Dom Dom là một không gian đào tạo, phát triển âm nhạc điện tử thể nghiệm ở Hà Nội, nơi các nghệ sĩ gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và cùng sáng tạo. Nhiều năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD đã tạo điều kiện cho các nhà làm phim trẻ sáng tạo. Hàng chục bộ phim ngắn ra đời từ đây đã đoạt giải thưởng quốc tế, trở thành "bệ phóng" để những tài năng điện ảnh bước vào con đường chuyên nghiệp…

Không gian sáng tạo là nơi hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa. Theo nhà báo Trương Uyên Ly, nhờ có các không gian sáng tạo mà công chúng được tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động văn hóa nghệ thuật, đồng nghĩa với việc phát triển con người tốt hơn, tạo ra sự khác biệt cho đô thị, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động…

Chia sẻ để cùng phát triển

Sự lớn mạnh của các không gian sáng tạo là tất yếu trong xu hướng hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động của mô hình này tại Việt Nam vẫn còn sự lúng túng. Với một số không gian sáng tạo, thật khó định nghĩa chính xác về ngành hoạt động bởi được tạo dựng và duy trì mạng lưới liên kết văn hóa, giáo dục, dịch vụ khá phức tạp. GS Andy Pratt của Trung tâm Văn hóa công nghiệp sáng tạo, Trường Đại học London (Anh), cho rằng các không gian sáng tạo nên được xếp thành một lĩnh vực riêng bởi ở đó có sự giao thoa giữa văn hóa và kinh tế. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người sáng lập Hanoi Creative City kể rằng, để đăng ký hoạt động, ông đã mất nhiều thời gian đi khắp nơi để giải trình, thuyết phục các cơ quan chức năng.

Hơn một chục năm xuất hiện nhưng đến nay không gian sáng tạo chưa có “tư cách pháp lý” riêng nên hầu hết, dù là hoạt động phi lợi nhuận hay thu lợi nhuận, cũng đều phải đăng ký hoạt động kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế dưới “vỏ” doanh nghiệp. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, đa số không gian sáng tạo hoạt động vì cộng đồng nên cần được ưu đãi.

Theo nhà báo Trương Uyên Ly, mong mỏi của nhiều chủ không gian sáng tạo là muốn được trao đổi trực tiếp với những người làm chính sách để tăng cường hiểu biết, tạo cơ sở cho những chính sách phù hợp với thực tiễn. TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bộ VH-TT&DL, Hội đồng Anh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam có nhiều nỗ lực nghiên cứu, báo cáo về không gian sáng tạo ở Việt Nam và tư vấn chính sách hoạt động cho lĩnh vực này. Mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 là hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự đổi mới về quan điểm tiếp cận, chủ trương chính sách và cam kết có tính chiến lược của Việt Nam trên tổng thể các hoạt động sáng tạo, sản xuất, phổ biến và hưởng thụ sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tạo cơ sở thúc đẩy hoạt động của các không gian văn hóa.

Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ. Hầu hết các không gian sáng tạo vẫn hoạt động theo kiểu “là người đi trước luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn” - như chủ một không gian sáng tạo xác định. Có lẽ, đó là điều cần thay đổi.

Thụy Du