Căn cứ tàu ngầm ở Guam giúp Mỹ kiểm soát Tây Thái Bình Dương

Thế giới - Ngày đăng : 08:37, 12/08/2017

4 tàu ngầm lớp Los Angeles triển khai tại Guam mang tên lửa có tầm bắn tới 3.100 km cùng khả năng trinh sát dài ngày tại Đông Á.

Căn cứ hải quân Guam nhìn từ trên cao. Ảnh: Wikipedia.


Đảo Guam đóng vai trò then chốt trên bản đồ địa chính trị, cho phép Mỹ phát động bất kỳ chiến dịch quân sự nào nhằm vào Triều Tiên. Ngoài căn cứ không quân Andersen, Guam còn là nơi đặt căn cứ tiền phương của 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, có khả năng tấn công mục tiêu từ khoảng cách 3.100 km, theo Global Security.

Căn cứ hải quân Guam (NBG) là tổ hợp quân sự chiến lược của Mỹ, được xây dựng quanh cảng Apra, phía tây nam đảo Guam. Vào năm 2009, NBG được hợp nhất với căn cứ không quân Andersen để tạo thành Căn cứ liên hợp vùng Marianas, đặt dưới quyền chỉ huy của hải quân Mỹ.

Lực lượng thường trực tại NBG gồm Hải đoàn tàu ngầm số 15, lực lượng tuần duyên khu vực Guam và Đơn vị tác chiến hải quân đặc biệt số 1. Bên cạnh đó là hàng chục đơn vị trực thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 và các tiểu đoàn công binh hải quân Mỹ (Seabee).

Hải đoàn tàu ngầm số 15 được biên chế 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, gồm USS Chicago, USS Key West, USS Oklahoma City và USS Topeka. Mỗi tàu có thể mang 37 ngư lôi hạng nặng Mk 48, tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 3.100 km và tên lửa diệt hạm UGM-84 Harpoon với tầm bắn 130 km. Đơn vị này được phối thuộc hai tàu tiếp liệu tàu ngầm gồm USS Frank Cable và USS Emory S. Land.

Tàu ngầm USS Chicago trở về NBG sau một chuyến tuần tra. Ảnh: Wikipedia.


NBG đóng vai trò căn cứ tiền phương quan trọng cho biên đội tàu ngầm hạt nhân tấn công, giúp chúng hoạt động trong thời gian dài để kiểm soát cả vùng biển rộng lớn ở Tây Thái Bình Dương.

Đây là lực lượng chủ chốt trong việc thu thập tin tình báo tại Tây Thái Bình Dương, từ bán đảo Triều Tiên cho tới Biển Đông. Nó cũng là một trong những trung tâm kết nối đường dây liên lạc giữa phía tây nước Mỹ, quần đảo Hawaii, Australia và Châu Á. Ngoài ra, các tàu chiến Mỹ trước khi tới Đông Á thường dừng chân tại căn cứ này để tiếp liệu.

Với vị trí đặc biệt quan trọng, NBG và căn cứ Andersen sẽ trở thành hai mục tiêu lớn nhất tại Guam nếu Triều Tiên muốn tấn công hòn đảo này. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự nhận định Bình Nhưỡng chỉ muốn đưa ra tuyên bố mang tính đe dọa và sẽ không phát động tấn công thực tế vào hòn đảo này.

Theo VnExpress