Cảnh giác nguy cơ cháy nổ do điện

Đời sống - Ngày đăng : 07:13, 12/08/2017

(HNM) - Sự cố về điện luôn chiếm tỷ lệ lớn trong các nguyên nhân gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân. Muốn đẩy lùi nguy cơ này, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng trong tuyên truyền, kiểm tra, tăng cường giải pháp về kỹ thuật thì chính người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, sử dụng điện an toàn.

Cháy do sự cố điện chiếm hơn 55%

Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, trong 7 tháng vừa qua, trên địa bàn thành phố đã có 282 vụ cháy xuất phát từ sự cố về điện, chiếm hơn 55% tổng số vụ cháy. Ngoài sự cố điện gây cháy, chỉ tính riêng trong tháng 7, trên địa bàn thành phố còn có 59 vụ chập điện trên cột.

Kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ bảo đảm an toàn lưới điện. Ảnh: Thái Hiền



Cháy do sự cố điện không chỉ gây thiệt hại về người mà còn gây thiệt hại lớn về tài sản. Điển hình như vụ cháy xảy ra rạng sáng 13-7 trên địa bàn phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) làm thiệt mạng cả 4 người trong một gia đình. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội xác định, nguyên nhân cháy là do chập điện quạt treo tường trong bếp rồi lan sang các đồ vật khác. Trước đó, rạng sáng 22-6, khoảng 2.000m2 nhà kho chứa xe đạp điện của Công ty cổ phần United Motor Việt Nam trong Khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn) đã bị thiêu rụi do chập điện. Thiệt hại về tài sản ước tính lên tới khoảng 65 tỷ đồng.

Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố khuyến cáo, vào đỉnh điểm mùa nắng nóng, nguy cơ cháy nổ do sự cố điện rất cao vì nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân để làm mát và phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng mạnh trong khi hệ thống điện nhiều gia đình không bảo đảm an toàn. Đặc biệt, thời tiết có mưa dông, sấm sét cũng làm tăng khả năng xảy ra các vụ cháy, nổ.

Tuy vậy, dù nguy cơ dẫn đến các vụ hỏa hoạn đã được cảnh báo nhiều, song người dân còn rất chủ quan khi sử dụng thiết bị điện. Chị Nguyễn Thị Nữ (trú tại Khu tập thể Kim Liên, quận Đống Đa) cho biết, gia đình chị đã nhiều phen hốt hoảng khi ổ điện trong nhà chập cháy do cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện công suất lớn. Nhưng với nhu cầu làm mát trong mùa nắng nóng, gia đình chị không thể dừng hoạt động các thiết bị này. Còn với bà Lưu Thị Khánh (trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) vẫn hằng ngày nấu ăn bằng bếp than tổ ong ngay phía dưới đường dây diện, dây cáp viễn thông chạy ngang qua nhà vì không gian nhà ở quá chật chội.

Nâng cao ý thức phòng cháy

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng công ty đã kịp thời thông tin vụ cháy, phối hợp cắt điện 567 lượt phục vụ cho công tác chữa cháy, bảo đảm an toàn cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, người dân tham gia tổ chức chữa cháy.

Để giảm thiểu sự cố chập cháy đường dây, Tổng công ty Điện lực thành phố đang tiếp tục thực hiện hạ ngầm đường dây trên địa bàn thủ đô. Đến hết năm 2018, sẽ cơ bản hoàn thành hạ ngầm đồng bộ đường điện tại các tuyến phố chính trong 4 quận nội thành là: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Ngoài ra, các công ty điện lực thuộc Tổng công ty Điện lực thành phố cũng tổ chức kiểm tra trên hệ thống lưới điện bằng súng đo nhiệt độ, camera chụp ảnh nhiệt nhằm phát hiện, ngăn ngừa các nguy cơ phát sinh nguồn nhiệt của các thiết bị điện, kịp thời thông báo cho các đơn vị quản lý ngăn chặn, xử lý.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần trang bị kiến thức an toàn khi sử dụng điện. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố khuyến cáo, mỗi gia đình phải lắp thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Hàng hóa dễ cháy không được để gần bóng điện, ổ cắm… Bảng điện phải đặt cách xa vật dễ cháy tối thiểu là 0,5m. Ngoài ra, khi sử dụng bàn là, bếp điện,… phải có người trông coi, không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết để bảo đảm an toàn...

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, thực hiện quy chế phối hợp giữa hai ngành, từ đầu năm đến nay Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố đã cùng Tổng công ty Điện lực Hà Nội kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện tại khu dân cư ở 30 quận, huyện, thị xã. Qua đó kịp thời phát hiện, khuyến cáo và đề ra giải pháp phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở được kiểm tra. Thời gian tới, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy cùng Tổng công ty Điện lực Hà Nội tiếp tục phối hợp tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và an toàn trong sử dụng điện đến từng khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa bàn có nguy cơ cháy cao.

Tiến Thành