Chủ động, xử lý nghiêm sai phạm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:09, 12/08/2017
Lực lượng Hải quan và Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ hàng nhập lậu tại Cảng Hiệp Phước. |
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Sau khi phát hiện nhiều vụ lợi dụng hàng quá cảnh qua Cảng Cát Lái để buôn lậu, Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã chỉ đạo lực lượng hải quan các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến đường này. Tuy nhiên, một số đối tượng đã chuyển hướng, quá cảnh qua cửa khẩu cảng Cái Mép để thực hiện hành vi sai phạm.
Đầu tháng 2-2017, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh) đã phối hợp với các lực lượng chức năng của TCHQ kiểm tra phát hiện lô hàng lậu trị giá khoảng 8 tỷ đồng. Số hàng này đăng ký tại Chi cục Hải quan Cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu), được vận chuyển đến cửa khẩu Mộc Bài để xuất đi Campuchia, nhưng không có người đến làm thủ tục xuất khẩu. Lực lượng hải quan phát hiện niêm phong chì tàu biển đã bị đục có thể tháo rời, niêm phong của hải quan có dấu hiệu làm giả. Kiểm tra lô hàng, lực lượng hải quan phát hiện 1.257 chai nước hoa, 58 chai rượu ngoại, 607 điện thoại iphone, 100 đồng hồ đeo tay hiệu Apple, 86 máy tính bảng... không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, vào cuối tháng 1-2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (TCHQ) đã triệt phá đường dây lợi dụng việc chuyển hàng quá cảnh để buôn lậu. Lô hàng vi phạm được nhập khẩu từ Singapore qua Cảng Cái Mép, quá cảnh ở Việt Nam và xuất khẩu sang Campuchia. Tuy nhiên, khi qua địa bàn Bình Dương, container hàng hóa được chở thẳng tới kho hàng của một doanh nghiệp tư nhân để cắt niêm phong chì, lấy hàng hóa. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1.000 thùng rượu ngoại, gần 600 thùng sữa ngoại, hàng trăm thùng bài tú lơ khơ. Tất cả hàng hóa đều không có chứng từ, với tổng giá trị gần 10 tỷ đồng.
Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện lô hàng thiết bị y tế là máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng, nhưng khai báo mới 100% nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công Thương. Lô hàng này quá cảnh đi Campuchia, nhưng đã lợi dụng hình thức này để nhập hàng cấm...
Theo TCHQ, quá cảnh hàng hóa là phương thức phổ biến trong vận tải hàng hóa quốc tế. Với hệ thống bờ biển dài, có cảng biển nước sâu, Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực và trên hệ thống vận tải biển quốc tế. Để tạo thuận lợi cho hoạt động quá cảnh hàng hóa, đáp ứng thông lệ quốc tế, Việt Nam đã ban hành hệ thống văn bản quy định về hoạt động quá cảnh hàng hóa, như Luật Thương mại, Luật Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP… Ngành Hải quan cũng chủ động cải cách hành chính, áp dụng thông quan điện tử nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, vẫn có không ít đơn vị đã lợi dụng hoạt động này để buôn lậu, gây thất thu ngân sách.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý
Trước hiện tượng lợi dụng loại hình quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, TCHQ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động đấu tranh phòng, chống sai phạm. Bên cạnh việc chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương thực hiện nghiêm quy định trong quá trình thực hiện thủ tục với hàng hóa xuất nhập khẩu qua loại hình quá cảnh, TCHQ đã thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử, hạn chế thiếu sót mà các đối tượng có thể lợi dụng.
Từ năm 2015 đến nay, TCHQ đã triển khai nhiều kế hoạch, chỉ đạo lực lượng điều tra chống buôn lậu và phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, kiểm soát, bắt giữ hàng trăm container hàng cấm, hàng đã qua sử dụng, ma túy...
TCHQ cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Từ việc chủ động thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua Cảng Cát Lái để trung chuyển hàng hóa bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia, nhưng không đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định. TCHQ xác định, ngoài nguyên nhân một số công chức thừa hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, đối tượng vi phạm đã lợi dụng các yếu tố thuận lợi trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để buôn lậu.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng TCHQ cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo lực lượng hải quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các tỉnh cùng vào cuộc, chia sẻ thông tin chống buôn lậu, gian lận thương mại. Riêng ngành Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đưa công nghệ vào quản lý như thông qua hệ thống gắn sim định vị theo dõi cả quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Ngành Hải quan cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền, xem xét lại những nhóm hàng nhạy cảm, không cho phép kinh doanh theo loại hình trung chuyển, bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế, hạn chế tối đa gian lận thương mại. Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng khẳng định, thời gian tới, TCHQ sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan, đẩy mạnh thanh, kiểm tra nội bộ và kiên quyết xử lý nghiêm công chức có hành vi vi phạm.