Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp

Chính trị - Ngày đăng : 05:56, 12/08/2017

(HNM) - Sáng 11-8, ngày làm việc thứ hai của phiên họp thứ 13, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp dự kiến sửa đổi 15 điều; bổ sung 3 điều; bãi bỏ 7 điều, 1 khoản; giữ nguyên 34 điều. Việc sửa đổi luật nhằm cập nhật các quy định mới được ban hành, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tăng tính khả thi giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước; cải cách thủ tục, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Bộ luật Hình sự mới có 33 tội danh liên quan đến pháp nhân. Do vậy, lý lịch tư pháp liên quan đến cả thể nhân và pháp nhân. Hơn nữa, lý lịch tư pháp còn liên quan tới cả dấu hiệu định khung, định tội khi thể nhân, pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, nếu không bổ sung quy định về án tích của pháp nhân là còn thiếu, chưa đồng bộ với các văn bản pháp luật khác. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần rà soát các vấn đề còn ý kiến khác nhau, hoàn thiện dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp tới.

Trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thảo luận tổng kết việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của thẩm phán tòa án nhân dân theo quy định tại Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13-6-2016. Với 100% thành viên tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán tòa án nhân dân trên phạm vi cả nước. Theo đó, trang phục là áo choàng dài tay màu đen, thống nhất thực hiện từ ngày 1-1-2018. Nghị quyết cũng nêu rõ kết thúc việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán tòa án nhân dân kể từ ngày 1-7-2017.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Viện Kiểm sát nhân dân.

Phong Thu