Cho hôm nay và mai sau

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:51, 13/08/2017

(HNM) - Di tích, di sản là tài sản vô giá của đất nước, là “thông điệp” của cha ông gửi lại cho thế hệ mai sau để nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, di tích cần được coi là trách nhiệm, nghĩa vụ không của riêng ai.


Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt kể từ năm 2001, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa và sau đó đến năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều, đưa ra những quy định mang tính pháp lý, tạo điều kiện cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm: “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ then chốt của Chiến lược phát triển văn hóa…”. Nhờ đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện và đặt đúng vị trí, vai trò quan trọng vốn có.

Thế nhưng, bên cạnh đó chúng ta nhận thấy vẫn còn những hạn chế trong công tác này. Với hơn 40.000 di tích trên toàn quốc, trong đó 85 di tích quốc gia đặc biệt, nhưng có tới 1/3 tổng số di tích trên đang xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Tại Hà Nội, trong 6.000 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng có tới 2.200 di tích bị hư hỏng và có hàng trăm di tích trong tình trạng báo động cần được tôn tạo gấp.

Thực trạng trên là điều đáng để chúng ta suy ngẫm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, di tích. Đấy còn chưa kể nhiều di tích bị xâm phạm, lấn chiếm. Do chưa nhận thức đúng đắn về nguyên tắc khoa học bảo tồn di tích, một số nơi khi tiến hành việc này đã làm biến dạng, mất đi giá trị bản sắc vốn có của di tích.

Trước thực trạng này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu Phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng của Chương trình là hỗ trợ thực hiện 80 dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; thực hiện đầu tư, tu bổ, tôn tạo tổng thể cho 20 di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia có giá trị tiêu biểu...

Để Chương trình được triển khai hiệu quả, điều quan trọng là cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trước hết là hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tiếp đó là xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa; kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch.

Một điều không thể không nhắc đến là cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật Di sản văn hóa đến từng người, từng gia đình, trong trường học để có thêm những nhận thức sâu sắc về việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Có như vậy chúng ta mới bảo tồn và phát huy được những giá trị di tích, di sản cho hôm nay và mai sau. 

Đình Hiệp