Lối thoát hợp lý
Thế giới - Ngày đăng : 07:14, 13/08/2017
Guam, lãnh thổ của Mỹ, bị Triều Tiên đe dọa tấn công. |
Lời cảnh báo của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng đe dọa sẽ phản ứng đối với các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc, cũng như sau khi xuất hiện một số bằng chứng mới cho thấy Triều Tiên đã giải quyết được một số trở ngại kỹ thuật để có thể tấn công Mỹ hoặc Tây Âu bằng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong tháng 7 vừa qua, Triều Tiên liên tiếp phóng thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực hoàn thiện kho vũ khí chiến lược của nước này và đặt ra mối đe dọa lớn đối với Mỹ.
Theo báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ mới đây, Bình Nhưỡng đã chế tạo thành công loại vũ khí hạt nhân thu nhỏ để lắp đặt vào ICBM. Kết luận này cũng được các nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản khẳng định. Theo ước tính của Mỹ, hiện tại kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã đạt đến 60 đầu đạn hạt nhân.
Trước khi nhậm chức, Tổng thống D.Trump hứa với cử tri rằng, Triều Tiên sẽ không phát triển ICBM trong nhiệm kỳ của ông. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, chính quyền D.Trump đã đưa ra nhiều thông điệp khác nhau về cách phản ứng với Triều Tiên. Mỹ đã đạt được thắng lợi ngoại giao hồi cuối tuần trước sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua kế hoạch trừng phạt mới đối với Triều Tiên, nhưng tác động của các biện pháp trừng phạt sẽ phụ thuộc phần nhiều vào việc Trung Quốc có sẵn sàng tiến hành trừng phạt hay không. Lệnh trừng phạt mới nhất này được cho là đòn giáng nặng nề nhất vào nền kinh tế Triều Tiên.
Song song với việc gây áp lực, chính quyền Tổng thống D.Trump vẫn để ngỏ cánh cửa nối lại đối thoại với nước này. Tuy nhiên, dường như Bình Nhưỡng không quan tâm đến "cuộc chơi" do Mỹ dẫn dắt. Các nhà phân tích nhận định, những phát ngôn có phần mạnh mẽ của ông D.Trump sẽ càng khiến Triều Tiên "liều mình" và tham vọng hơn. Không có dấu hiệu nào cho thấy sức ép của các biện pháp trừng phạt ngăn chặn được tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự của kênh CNN (Mỹ), Rick Francona nhận định, mặc dù Triều Tiên đưa ra nhiều lời đe dọa tấn công các nước nhưng mục đích phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng không phải để tiến hành chiến tranh với Mỹ. Việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là điệp khúc quen thuộc mà Triều Tiên sử dụng trong nhiều năm qua. Quan trọng hơn, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, đây thực sự là thảm họa không của riêng ai. Với Triều Tiên, phương án này chắc chắn là lựa chọn tồi tệ nhất. Người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không thể hành động ở Triều Tiên như với Syria, nơi tồn tại các phần tử khủng bố nguy hiểm. Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể xem là "con tin" đối với vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Hiện nay, Mỹ duy trì quân ở Nhật Bản và Hàn Quốc là để bảo đảm an ninh. Nếu xảy ra xung đột, hai quốc gia đồng minh của Washington này sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề.
Vì vậy, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đề nghị Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức chương trình hạt nhân và tên lửa, mà chỉ có thể thương lượng để Bình Nhưỡng ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí mới. Để kiềm chế nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh cần áp dụng chính sách gây sức ép, nhưng không nên để dẫn tới hiểu lầm thành một lời tuyên chiến. Có lẽ lối thoát hợp lý nhất là nối lại đàm phán 6 bên nhằm tìm ra các biện pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng con đường hòa bình và tránh leo thang căng thẳng.