Bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi mùa mưa bão
Đời sống - Ngày đăng : 07:58, 14/08/2017
Hồ Quan Sơn, huyện Mỹ Đức có dung tích 12 triệu mét khối phục vụ sản xuất nông nghiệp.Ảnh: Sơn Hà |
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 104 hồ chứa thủy lợi, phần lớn được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Qua nhiều năm khai thác, sử dụng nên nhiều hạng mục như đập chính, đập tràn, cống lấy nước… bị hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình.
Ông Doãn Văn Kính, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Đáy cho biết, trong số 4 hồ thủy lợi đơn vị quản lý thì có 2 hồ Văn Sơn, Quan Sơn bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Như hồ Văn Sơn có dung tích thiết kế 7 triệu mét khối, hiện nay lòng hồ bị bồi lắng; mái kè đá lát khan thượng lưu đập chính bị sạt, mặt đập bị hư hỏng, nhiều đoạn không đạt cao trình thiết kế; tại cao trình 18m xuất hiện dòng thấm; bể tiêu năng xuống cấp…
Tương tự, tại hồ Suối Hai, hiện nhiều hạng mục bị hư hỏng nghiêm trọng, đặc biệt là 2 ống thông hơi bằng thép, đường kính 30cm đã bị gỉ, hư hỏng nặng: Thân ống từ cao trình 17-20,4m bị bẹp, thủng do áp lực nước. Ông Đinh Công Hùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì cho biết, mặc dù đơn vị đã xử lý khẩn cấp theo phương án đặt ống nhựa đường kính 90mm luồn vào trong ống thông hơi cũ và hoành triệt 2 ống thông hơi bằng bao tải đất, đá hộc nhưng vẫn xảy ra hiện tượng rò rỉ nước, lưu lượng ước tính khoảng 0,1m3/s, đe dọa an toàn công trình…
Để bảo đảm an toàn hồ đập, trước mùa mưa bão năm 2017, các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi đã kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng để xây dựng phương án bảo vệ. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Sông Tích Đặng Tuấn Hùng, Công ty đã được UBND thành phố phê duyệt phương án phòng, chống lụt bão, bảo đảm an toàn công trình hồ chứa Đồng Mô - Ngải Sơn, Suối Hai, Xuân Khanh. Trên cơ sở đó, Công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và các cơ quan, đơn vị liên quan hiệp đồng, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị theo phương châm "4 tại chỗ", đồng thời tổ chức diễn tập huy động lực lượng, triển khai phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2017, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phân loại, đánh giá chi tiết hiện trạng từng hồ chứa làm căn cứ để báo cáo UBND thành phố bố trí kinh phí nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi nói chung, hồ chứa nói riêng. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi tăng cường kiểm tra an toàn hồ đập trên địa bàn; bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, chủ động hạ thấp mực nước theo đúng quy định tại quy trình vận hành hồ đã được phê duyệt, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư phương tiện để xử lý nếu có sự cố.
Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục triển khai, hoàn thiện phương án phòng, chống úng ngập phục vụ sản xuất năm 2017; phương án bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, các hồ chứa nước; phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du hồ chứa; rà soát, khắc phục sự cố công trình từ đầu mùa mưa bão đến nay do đơn vị mình quản lý nhằm bảo đảm sẵn sàng đối phó, kịp thời xử lý mọi tình huống xảy ra...