Phải xử lý nghiêm vi phạm
Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 15/08/2017
Trước thực trạng cháy nổ trên địa bàn thành phố đang ở mức báo động và có chiều hướng ngày càng phức tạp, mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu nâng cao công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy. Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy):
Cần có cán bộ chuyên trách và kinh phí để thành lập đội cơ động
Để xây dựng tốt phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy, bên cạnh việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng và xử lý các tình huống cháy nổ, các quận, huyện cần xây dựng nguồn kinh phí để mỗi phường, xã có một cán bộ biên chế, chuyên trách về công tác này, đồng thời thành lập đội cơ động phòng cháy và chữa cháy thường xuyên ứng trực. Trước đây, phường Dịch Vọng Hậu đã thành lập một Đội cơ động phòng cháy và chữa cháy gồm 7 thành viên, được trang bị phương tiện hỗ trợ khẩn cấp, ứng trực 24/24 giờ… Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, đến nay đội rút xuống chỉ còn 2 thành viên. Hằng ngày, từ 19h đến 22h, các thành viên của đội đạp xe đến từng ngõ ngách, dùng loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân đề phòng cháy, nổ. Lãnh đạo phường cũng trực tiếp trực điện thoại để xử lý nhanh nhất khi có tình huống cháy, nổ xảy ra. Nhờ được tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể, từ đầu năm đến nay, đã có 12 vụ cháy trong khu chung cư, hộ gia đình được người dân xử lý thành công…
Ông Nguyễn Văn Hùng (nhà NO1, Khu tái định cư phường Láng Thượng, ngõ 84 phố Chùa Láng):
Công tác phòng cháy, chữa cháy tại nhà tái định cư vừa thiếu và yếu
Chuyển về tái định cư tại nhà NO1, ngõ 84 phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa) đã 5 năm nay, người dân chưa từng được tập huấn phòng cháy, chữa cháy. Tình trạng này tồn tại ở khá nhiều khu chung cư và là nỗi lo thường trực của cư dân. Đặc biệt, với những khu chung cư mà chủ đầu tư chưa hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định, người dân không biết trông chờ vào ai... Thành phố đang quyết liệt xử lý 79 chung cư vi phạm về phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu dừng đưa công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy vào hoạt động. Đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố xử lý nghiêm những chủ đầu tư không chấp hành quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Bích Tâm (quận Hai Bà Trưng):
Quản lý tốt vấn đề an toàn lao động
Thực tế cho thấy, nhiều vụ cháy xảy ra thời gian qua đều liên quan đến việc hàn, xì khi sửa chữa nhà, xưởng. Điều này gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng quản lý an toàn lao động. Để không còn các vụ hàn xì gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần sớm đề ra quy định, quy chuẩn hành nghề này, trong đó kiến thức phòng cháy, chữa cháy là nội dung bắt buộc người hành nghề phải tuân thủ. Người thuê thợ hàn và thợ hàn phải nâng cao ý thức trách nhiệm khi làm việc, nắm chắc những đặc tính nguy hiểm cháy nổ khi hàn cắt kim loại, cách ly các vật dễ cháy, nổ ra khỏi nơi có tia lửa hàn, sử dụng các thiết bị hàn cắt bảo đảm an toàn…
Chị Nguyễn Hải Yến - Khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ (Đại Kim - Hoàng Mai):
Cháy là nỗi lo thường trực
Do điều kiện kinh tế hạn chế nên tôi chấp nhận ở khu chung cư 45 tầng ở đường Nguyễn Xiển. Trên một khu đất hẹp nhưng có tới hai dự án với 5-6 tòa nhà “châu đầu” vào nhau. Mỗi tòa nhà có đến cả nghìn căn hộ, tổng số cư dân lên tới hàng chục nghìn người. Vì thế, mối lo thường trực của tôi cũng như nhiều cư dân ở đây là về vấn đề cháy, nổ cho dù thỉnh thoảng chung cư có tổ chức diễn tập. Thực tế tại chung cư này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ bởi khu tầng trệt được dành cho “chợ cóc” hoạt động. Trong đó nhiều cửa hàng đun nấu, chế biến đồ ăn ngay trong chợ, các máy xay chạy bằng điện nằm sát với các vòi nước rửa nên nguy cơ chập điện rất có thể xảy ra... Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo toàn an toàn cho cư dân.