Thành quả của Abenomics
Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 16/08/2017
Nền kinh tế Nhật Bản đang có những bước tiến vững chắc thoát khỏi suy thoái. |
Thành quả này có được nhờ sự kết hợp giữa gia tăng của tiêu dùng cá nhân và đầu tư cơ bản. Trong quý II, nhu cầu nội địa của nền kinh tế số 3 thế giới tăng 1,3% so với quý I. Tiêu dùng tư nhân tăng 0,9%, cao hơn gấp đôi mức tăng 0,4% đạt được trong quý đầu năm, đóng góp nửa điểm phần trăm trong tăng trưởng. Đây là một trong những lực đẩy quan trọng cho đà tăng của nền kinh tế do chi tiêu cá nhân chiếm tới hơn 50% GDP của đất nước Mặt trời mọc. Cùng với đó, chi tiêu của doanh nghiệp cũng tăng 2,4%. Sự phát triển mạnh mẽ của những lĩnh vực cốt lõi cũng cho thấy Nhật Bản hiện chưa cần phải tính đến một gói kích cầu tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, xuất khẩu đã góp phần không nhỏ vào sự khởi sắc của kinh tế xứ Phù tang. Cũng không thể bỏ qua vai trò của các dự án đầu tư lớn liên quan tới các công trình phục vụ Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020. Cuối cùng, thị trường việc làm ổn định, niềm tin của khối doanh nghiệp cũng là những yếu tố tích cực đóng góp cho nền kinh tế trị giá 4.900 tỷ USD này. Giới phân tích nhận định, nếu xu hướng khả quan này tiếp tục, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ kết thúc quý III với chuỗi quý tăng trưởng dài nhất từ đầu thế kỷ. Bầu không khí dễ chịu đến từ các số liệu kinh tế cũng đưa chỉ số Topix của thị trường chứng khoán xứ Mặt trời mọc tăng 6,6% trong quý vừa qua và lần đầu tiên trong hai năm vượt mốc 1.600 điểm. Sự thăng hoa của thị trường cổ phiếu lập tức tạo ra hiệu ứng tích cực trở lại đối với tâm lý của người tiêu dùng.
Trước đó, cuối tháng 7 vừa qua, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đưa ra đánh giá lạc quan nhất trong 12 năm về tình hình kinh tế của các khu vực ở nước này. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm nay.
Những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế là điều được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe mong đợi. Sự chuyển biến này càng có ý nghĩa vì nó chứng minh được tính hiệu quả của chiến lược kinh tế Abenomics trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đương kim Thủ tướng Nhật Bản sụt giảm trong thời gian qua sau những rắc rối liên quan đến nhân sự. Trong thời gian dài, chính sách Abenomics đã kêu gọi BoJ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính, giúp làm yếu đồng yên, cho phép ô tô, hàng điện tử và nhiều sản phẩm khác của nước này có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế. Nhưng điều đó lại chưa giúp cải thiện tiêu dùng tại thị trường nội địa. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi các khoản chi của người dân và doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp phần lớn cho tăng trưởng.
Đây cũng là thành quả là đáng ghi nhận trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Bắc Á thời gian qua chứng kiến nhiều căng thẳng liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Cho dù không phụ thuộc hay có sự liên hệ với Bình Nhưỡng về kinh tế nhưng những tác động của cuộc khủng hoảng vẫn đang leo thang này có khả năng ảnh hưởng tới các thị trường tài chính và Nhật Bản không là ngoại lệ. Vì thế, nỗ lực tiếp sức cho đà tăng trưởng của chính phủ Thủ tướng S.Abe sẽ ít rủi ro và viên mãn hơn khi những bất ổn sớm được giải quyết.