Thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ: Nền tảng để hoàn thành nhiệm vụ
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:39, 17/08/2017
Công khai, minh bạch, dân chủ
Trong 3 năm gần đây, huyện Đông Anh tiến hành giải phóng mặt bằng 164 dự án với diện tích gần 1.000 héc ta, trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như: Công viên Kim Quy, Công viên Phần mềm và nội dung số trọng điểm TP Hà Nội, Trung tâm Hội chợ và triển lãm quốc gia... Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, để hoàn thành khối lượng công việc lớn như vậy, huyện Đông Anh xác định thực hiện quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng là giải pháp đặc biệt quan trọng.
Vì vậy, huyện đã nghiên cứu, xây dựng quy chế dân chủ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn. Các quyết định thu hồi, kế hoạch tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng cũng như cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách liên quan được niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, thị trấn và nhà văn hóa các thôn. Mọi kiến nghị, phản ánh của nhân dân đều được Hội đồng bồi thường, hỗ trợ - tái định cư huyện tiếp thu và giải quyết kịp thời.
Trong giai đoạn 2015 - 2016 và những tháng đầu năm 2017, huyện Đông Anh thực hiện giải phóng mặt bằng liên quan đến hơn 13.000 hộ dân với tổng số tiền chi trả trên 1.200 tỷ đồng. Nhờ phát huy dân chủ, công khai, minh bạch nên quá trình thực hiện đạt được sự đồng thuận cao, không phát sinh khiếu nại, tố cáo và không phải tổ chức cưỡng chế.
Tại quận Long Biên đã có 154 trường hợp được giám sát về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và phát hiện 42 trường hợp vi phạm. Đồng thời qua phối hợp giám sát các công trình xây dựng, công tác quản lý đất đai và dự án đầu tư, quận Long Biên cũng phát hiện 8 trường hợp vi phạm.
Tại huyện Thạch Thất, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cũng phối hợp giám sát các công trình phúc lợi dân sinh như: Trường học, nhà văn hóa thôn và giám sát việc chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo...
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Quang cho biết, huyện xác định việc thực hiện quy chế dân chủ không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ đã góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, để thực hiện quy chế dân chủ hiệu quả hơn, mỗi địa phương, đơn vị cần gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Các địa phương, đơn vị rà soát lại quy chế, quy ước để bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng theo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Bên cạnh đó là tăng cường kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời biểu dương những nơi làm tốt, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, đồng thời gợi mở và tạo động lực để các đơn vị tiếp tục thực hiện, phát huy rộng rãi quy chế dân chủ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh, phải làm sao cho người dân tự nguyện tham gia thực hiện quy chế dân chủ thì kết quả mới bền vững. Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện, tăng cường tiếp xúc, đối thoại để phát huy quyền làm chủ của người dân.