Khó khăn trong giảm tải bệnh viện
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 18/08/2017
Triển khai thực hiện Quyết định số 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9-1-2013, về phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, TP Hồ Chí Minh xác định 5 chuyên khoa của các bệnh viện quá tải trầm trọng cần khắc phục đó là: Chấn thương chỉnh hình, ung bướu, sản, nhi và một số bệnh rối loạn nội tiết. Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp giảm quá tải, như tăng giường bệnh, chuyển viện, xây dựng hệ thống bệnh viện vệ tinh..., nhưng hiệu quả chưa cao.
Điển hình, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh mỗi ngày có 1.600-1.800 bệnh nhân đến khám, gây ra tình trạng quá tải trong nhiều năm liền. Để giải quyết bài toán này, từ tháng 6-2016, bệnh viện đã tổ chức khám bệnh cả buổi tối. Bệnh nhân được khám bệnh từ lúc 5h sáng, phải chịu chi phí khám bệnh ngoài giờ, tức gấp 3 lần so với phí khám bệnh giờ hành chính, các khoản còn lại vẫn được tính như giờ hành chính. Bệnh viên đã huy động gần 150 y, bác sĩ làm việc từ 5h sáng, nhưng cũng chỉ giảm căng thẳng cho giờ hành chính và không để bệnh nhân xếp hàng vạ vật chờ lấy số thứ tự từ lúc 2h sáng. Việc giảm tải chỉ có thể trông chờ vào dự án Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 đang thi công xây dựng tại quận 9, dự kiến phải đến quý II-2018 mới hoàn thành. Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng thành phố quy mô 1.000 giường nằm tại huyện Bình Chánh đi vào hoạt động được hơn 6 tháng. Đây là bệnh nhi hiện đại bậc nhất Việt Nam, nhưng vẫn chưa phát huy hết hiệu quả giảm tải do quá xa trung tâm thành phố. Sau thời gian dài nỗ lực nhận san sẻ bệnh nhi từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, hiện nay lượng bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố cũng chỉ đạt 1.000 người/ngày.
Mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh điều trị cho 10.000 lượt bệnh nhân nội và ngoại trú. Số lượng bệnh nhân ở các tỉnh đổ về Bệnh viện Chợ Rẫy càng tăng, trong khi diện tích bệnh viện và số giường bệnh chưa thể tăng thêm. Nhiều năm qua, bệnh viện giảm tải bằng cách chuyển viện cho bệnh nhân đến các bệnh viện liên kết. Tuy ban đầu việc này vấp phải phản đối của bệnh nhân và thân nhân, nhưng sau một thời gian dài nỗ lực, Bệnh viện Chợ Rẫy được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Bộ Y tế đánh giá cao về giải pháp này. Việc vận động bệnh nhân chuyển viện vừa giảm tải vừa bảo đảm chất lượng điều trị, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho các bệnh viện liên kết.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, mục tiêu của thành phố là trong năm 2017 chuyên khoa nhi sẽ không còn quá tải, dự kiến năm 2018 sẽ giải quyết được quá tải tại các bệnh viện chuyên khoa ung bướu và chấn thương chỉnh hình. Thế nhưng thời điểm này, khó có thể đạt mục tiêu vì tình trạng quá tải các bệnh viện chưa có dấu hiệu giảm. Qua thống kê của Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2017 các bệnh viện tuyến thành phố chỉ giảm được 1% lượt khám bệnh so với cùng kỳ năm ngoái. Các bệnh viện quận, huyện trực thuộc thành phố cũng tăng lượng bệnh nhân đến khám lên 16%...