Tấm lòng người bưu tá
Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 19/08/2017
Lần đầu tôi biết ông Hòa là năm 1980, khi ông chuyển cho tôi phong bì thư của người bạn đang học ở Liên Xô gửi. Trên phong thư ghi địa chỉ người nhận “Phòng 73, nhà 5, tập thể Bờ sông - Hà Nội”, vì địa chỉ không rõ nên ông Hòa mất rất nhiều thời gian đi tìm. Khi chuyển được thư cho tôi, ông nói: “Địa chỉ ghi không rõ, không đúng, bưu cục định hoàn lại người gửi nhưng vì biết bác nên cháu nhận để phát cho bác. Bác có viết thư cho bạn thì nói lại để lần sau ghi đúng và rõ hơn, tránh thất lạc”. Tôi cảm phục tấm lòng của người bưu tá. Hỏi thêm mới biết, địa bàn phục vụ của ông Hòa là hai phường Chương Dương và Phúc Tân, với hàng nghìn địa chỉ nhận thư, báo, bưu kiện... Đều đặn hằng ngày, ông đến bưu cục nhận thư báo và bưu kiện xếp lên xe, không quên phủ lên một tấm ni lông để tránh bị ướt, rồi đạp xe đưa tới từng hộ đến 12h trưa mới về nhà, nghỉ một lúc, chiều lại tiếp tục đi đến 18h. Và đều đặn như vậy, khoảng 9h sáng mỗi ngày, ông xuất hiện trước cửa đưa thư, báo cho tôi. Không chỉ thế, ông Hòa còn sẵn lòng nhận từ tôi những bức thư gửi đi, giúp đưa ra bưu điện để được chuyển đi ngay. Hàng chục năm nay, chưa bị thất lạc, chậm trễ một bức thư, một tờ báo nào.
Năm 1995, người bạn thân của tôi là Hoàng Thúc Cầu bất ngờ nhận được thư của anh ruột từ Mỹ gửi về cũng do ông Hòa chuyển đến. Thư gửi theo địa chỉ người nhận là nhà cũ của ông Cầu ở phường Phúc Tân, khi ông Hòa đưa thư đến thì ông Cầu đã chuyển nhà. Thông thường, trường hợp như vậy bưu cục sẽ hoàn lại người gửi. Nhưng không, ông Hòa đã hỏi người chủ nhà, ghi lại địa chỉ mới của ông Cầu rồi tìm để chuyển cho bằng được bức thư. Nhận thư, ông Cầu đã rất xúc động...
Gần đây Thành ủy Hà Nội có chủ trương biếu Báo Hànộimới hằng ngày cho các đảng viên 50 năm tuổi Đảng trở lên. Hai phường Chương Dương và Phúc Tân có đến 290 người được nhận báo. Ông Hòa ngày nào cũng một lượt đi và gửi báo biếu đến từng người kịp thời, chu đáo.
Đức tính chu đáo, cần mẫn, tận tụy trong công việc bắt nguồn từ cái tâm trong sáng của ông Dương Văn Hòa. Điều đó thật đáng trân quý biết bao!