Giải quyết thách thức của ngành Than

Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 19/08/2017

(HNM) - Phát triển bền vững ngành Than luôn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, ngành đang đối mặt với nhiều thách thức như điều kiện khai thác mỏ, vấn đề thuế, phí, giá thành, sức cạnh tranh... đòi hỏi có biện pháp giải quyết để phát triển bền vững.

Khai thác than tại Công ty Than Hòn Gai.


Báo cáo đánh giá chi tiết từng ngành công nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng than sạch cả nước ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng khoảng 44,5% kế hoạch năm. Tồn kho than 6 tháng đầu năm khoảng 10,22 triệu tấn. Trong đó Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tồn kho khoảng 9,3 triệu tấn, Tổng công ty Đông Bắc khoảng 920 nghìn tấn. 6 tháng đầu năm, đóng góp của ngành Than chiếm tỷ trọng 0,84%/GDP cả nước, chiếm tỷ trọng 3,04%/GDP công nghiệp, đóng góp 0,06 điểm % trong tăng trưởng GDP.

Nguyên nhân khiến khai thác than đạt thấp so với kế hoạch, theo Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải là khai thác than ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển. Bên cạnh đó tỷ trọng than hầm lò thay đổi từ 44% năm 2011 lên tới 60% năm 2016 và dự kiến còn tăng, trong khi áp lực mỏ ngày một lớn, cùng với suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay, chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá thành sản phẩm…

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng khẳng định điều này và cho biết thêm, các loại thuế phí hiện nay cũng chiếm 14-15% giá thành than. Đặc biệt, sản lượng than xuất khẩu sụt giảm mạnh, 6 tháng đầu năm, ngành Than chỉ xuất khẩu được 1 triệu tấn do nhu cầu thế giới thấp trong khi nguồn cung cấp xu hướng tăng...

Thực tế đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành Than, đặc biệt khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020, xét đến 2030, trong đó nhấn mạnh, xây dựng ngành Than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đáp ứng nhu cầu sử dụng than đến năm 2020 là 86,4 triệu tấn, năm 2030 lên 256 triệu tấn, ngành Than đang đứng trước những áp lực lớn về vốn. Cụ thể, đến năm 2020 ngành Than cần 96.566 tỷ đồng, bình quân 19.313 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2021-2030 cần tới 172.437 tỷ đồng để duy trì và mở rộng sản xuất, bình quân vốn mỗi năm là 17.934 tỷ đồng.

Hiện tại, để vượt qua thử thách, bảo đảm hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, TKV tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, quản trị tài nguyên được coi như một nguồn vốn gắn liền với chiến lược đầu tư phát triển kinh doanh bền vững bằng việc: Nâng cao năng lực thực tiễn về khảo sát, thăm dò địa chất đối với các vỉa than, khoáng sản rắn sâu (từ -300m trở xuống) tại các vùng Quảng Ninh, Đồng bằng sông Hồng; nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng thực tiễn các phương pháp phân tích số liệu địa chất bằng mô hình hóa, tối ưu hóa với độ tin cậy cao và lập báo cáo đánh giá trữ lượng, chất lượng than, khoáng sản đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cùng với đó, TKV sẽ thực hiện tái cơ cấu phương thức quản lý kinh doanh theo nguyên tắc tạo mọi điều kiện để các công ty thành viên chủ động sản xuất và kinh doanh, là cơ sở để nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục hoàn thiện giải pháp “xã hội hóa” theo mô hình hợp tác công - tư, bảo đảm lợi ích của Tập đoàn, đồng thời tạo ra thị trường huy động vốn tư nhân thực sự có hiệu quả. Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, cũng như bảo đảm tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực để hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển đến năm 2030...

Phương Nhi