Những hiện tượng thời tiết lạ trên thế giới

Công nghệ - Ngày đăng : 17:44, 20/08/2017

Siêu lốc xoáy, mưa ếch, mưa máu là ba trong số những hiện tượng thời tiết lạ xảy ra trên thế giới.


Siêu lốc xoáy

Gió mạnh thổi chiếc ghế găm sâu vào tường.


Năm 2011, cơn lốc xoáy có độ rộng đến hơn một km quét qua Joplin, Missouri, Mỹ, san phẳng nơi này thành những đống đổ nát. Gió lớn với tốc độ 320 km/h đã cuốn theo một chiếc ghế và quật mạnh đến nỗi chân ghế găm sâu vào tường ngoài của một cửa hàng.

Mưa ếch

Mưa ếch ở thị trấn Odzaci, Serbia.


Cây nước (waterspout), hình thành do gió xoáy cuốn nước lên thành những cột giống lốc xoáy, cũng có thể cuốn các sinh vật lên không trung. Năm 2005, một cây nước đã hút hàng nghìn con ếch từ hồ lên và thả chúng xuống thị trấn Odzaci, Serbia gần đó.

Mưa máu


Hiện tượng nước mưa có màu đỏ kỳ lạ.


Năm 2013, một trận mưa màu đỏ thẫm trút xuống bang Kerala, Ấn Độ. Nguyên nhân là gió mạnh có thể đã cuốn những bào tử tảo đỏ ngoài biển lên những đám mây gây mưa. Hiện tượng này khiến quần áo bị nhuộm đỏ, những nơi nước mưa đọng lại thì trông giống các vũng máu.

Lốc xoáy côn trùng


Lốc xoáy côn trùng cao hơn 300 m ở Vila Franca de Xira, Bồ Đào Nha.


Năm 2014, một nhiếp ảnh gia chụp được hình ảnh cơn lốc xoáy cao hơn 300 m toàn côn trùng, có thể là châu chấu, ở Vila Franca de Xira, Bồ Đào Nha. Những cơn gió lốc nhỏ có thể cuốn theo muỗi vằn, nhưng những lốc xoáy côn trùng lớn thường chỉ là ảo ảnh hoặc côn trùng di chuyển theo bầy chứ không phải hiện tượng thời tiết.

Giấy du hành


Tấm séc cá nhân bị thổi bay hơn 320 km.


Những dòng khí chuyển động hướng lên của lốc xoáy có thể cuốn giấy và các vật nhẹ khác lên cao 6.000 m và mang chúng đi xa hàng km. Khoảng cách xa nhất được ghi nhận năm 1915, khi một tấm séc cá nhân bị thổi bay hơn 320 km từ Great Bend, Kansas đến Palmyra, Nebraska, Mỹ.

Mưa đá


Mưa đá lớn xảy ra ở Nam Dakota, Mỹ năm 2010.


Năm 2010, những trận mưa đá lớn trút xuống Vivian, Nam Dakota, Mỹ. Một cục đá tromg trận mưa đã lập kỷ lục với trọng lượng lên đến 0,9 kg. Những cục đá này thường có kích cỡ bằng viên bi, sau đó bị các dòng khí mạnh của cơn bão quăng quật lâu hơn và bọc thêm băng bên ngoài.

Theo VnExpress/Popular Science