Hệ quả tất yếu
Thế giới - Ngày đăng : 07:58, 20/08/2017
Thị trường tài chính toàn cầu đang chịu tác động mạnh từ những bất ổn địa chính trị. |
"Tuột dốc" trở lại từ ngày 17-8, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến phiên giao dịch cùng ngày có chỉ số S&P 500 giảm 1,5%, xuống còn 2.430,01 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5 vừa qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng giảm 274 điểm (tương đương 1,2%, xuống còn 21.750,73 điểm); trong khi Nasdaq mất 1,9% (còn 6.221,91 điểm), còn chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 0,6%. Đây là tín hiệu buồn bởi lẽ các chỉ số nói trên mới tăng trở lại chút đỉnh sau những tác động tiêu cực từ vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm một phần do các nhà đầu tư cảm nhận chương trình nghị sự của ông chủ Nhà Trắng ngày càng mờ mịt, bế tắc, nhất là sau khi giải tán hai Hội đồng cố vấn, vốn là nơi tập trung những Giám đốc điều hành của nhiều công ty hàng đầu nước Mỹ. Bên cạnh đó, đương kim Tổng thống Mỹ cũng lâm vào thế đối đầu với những nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa, khi những người này đứng ra chỉ trích phát biểu của ông về vấn đề phân biệt chủng tộc.
Thêm nữa, dù đã được đính chính, những đồn đoán về việc cựu Chủ tịch Goldman Sachs Gary Cohn có thể từ bỏ nhiệm vụ người đứng đầu Ủy ban kinh tế quốc gia càng làm tình hình xấu đi, bởi ông G.Cohn chính là người dẫn dắt những nỗ lực cải cách thuế của ông Donald Trump. Thông tin đồn đoán khiến các nhà đầu tư nghi hoặc khả năng xúc tiến cắt giảm thuế suất mà chính quyền Mỹ cam kết sẽ khó lòng được thực hiện.
Rủi ro của thị trường chứng khoán Mỹ đã ngay lập tức tác động đến thị trường chứng khoán Châu Á, khiến chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp trong ngày 17-8 (chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 26,65 điểm, khoảng 0,14%, xuống 19.702,63 điểm), trong khi chứng khoán Hongkong (Trung Quốc) cũng giảm nhẹ khi chỉ số Hang Seng tại Hongkong giảm 64,85 điểm, tương đơng 0,24%, xuống 27.344,22 điểm.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với chứng khoán Châu Âu, khi các chỉ số đã quay đầu giảm sau 3 ngày tăng liên tiếp. Hết phiên giao dịch ngày 17-8, chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm 45,16 điểm (-0,61%), xuống 7.387,87 điểm; trong khi chỉ số DAX (Đức) giảm 60,40 điểm (-0,49%), xuống 12.203,46 điểm; chỉ số CAC 40 (Pháp) giảm 29,76 điểm (-0,57%), xuống 5.146,85 điểm. Đây được xem là hệ quả từ tác động của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy nước này đang có xu hướng thận trọng trước lạm phát, thậm chí có thể kêu gọi tạm dừng việc tăng lãi suất trong huy động tiền tệ.
Ngoài nguyên nhân kể trên, vụ khủng bố đẫm máu ở Las Ramblas (TP Barcelona, Tây Ban Nha) khiến 14 người chết và khoảng 90 người bị thương cũng đã tác động mạnh mẽ tới thị trường chứng khoán. Đến nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đứng ra nhận trách nhiệm, khẳng định đây là hành động nhằm trả đũa các nước tham chiến ở Trung Đông, nhưng ít nhiều cũng gây tâm lý hoang mang khiến thị trường chứng khoán vốn ảm đạm càng trở nên tệ hại.
Trái lại, dường như niềm tin của các nhà đầu tư chứng khoán lại đổ dồn về phía Trung Quốc, đặc biệt sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ cởi mở hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể trong phiên cùng ngày, chỉ số Shanghai Composite (tại Thượng Hải) đã tăng 21,98 điểm, tương đương 0,68%, lên 3.268,43 điểm.
Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính cho thấy, những động thái bất ổn về chính trị ở mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước lớn sẽ là yếu tố tác động mạnh vào tâm lý của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán. Bất ổn càng lớn, yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế toàn cầu càng cao và đó là hệ quả tất yếu.