Hệ lụy của một cuộc chiến

Hồ sơ - Ngày đăng : 08:10, 20/08/2017

(HNM) - Hàng chục nghìn người tị nạn Iraq từng phải đi sơ tán khỏi thành phố Mosul để tránh xung đột đang bị mắc các triệu trứng tổn thương tâm lý cần phải hỗ trợ, trong đó có rất nhiều trẻ em.


Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 650.000 trẻ em đang phải gánh chịu “cái giá” của cuộc chiến chống khủng bố diễn ra ở đất nước này. Hàng nghìn em rơi vào cảnh lang thang do gia đình ly tán, trong đó 75% là có cha mẹ đứng trong hàng ngũ IS. Phần lớn các em đã phải chịu những trải nghiệm kinh khủng của chiến tranh và bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Mồ côi, bị tước đi sự ngây thơ, bị xã hội ruồng bỏ, rất nhiều đứa trẻ là con của các chiến binh IS, thậm chí có thể phải thay cha mẹ gánh lấy sự giận dữ, hận thù.

Những đứa trẻ này có xu hướng bộc lộ sự lo âu trầm trọng, hội chứng thờ ơ (apathy) cũng như dễ cáu giận và la hét. Iraq thì gần như không hề có các dịch vụ điều trị tâm lý hoặc tâm thần. Vô số những tổn thương chiến tranh cứ thế hằn sâu vào tâm trí của những đứa trẻ vô tội.

Bà Sukaina Mohamed Younes, người đứng đầu Cơ quan về Phụ nữ và Trẻ em tỉnh Nineveh cho biết, tổ chức này đã tiếp nhận hàng chục nghìn trẻ mất cha mẹ từ Mosul, trong đó đa phần là con các phần tử IS. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chương trình nào giúp giải quyết những trường hợp này, bởi lẽ xã hội không chấp nhận những đứa trẻ xuất thân trong những gia đình như vậy.

Tại các trại tị nạn nằm ở miền Bắc Iraq, những góa phụ của chiến binh IS, phần lớn là người nước ngoài, phải cố gắng che giấu quá khứ. Để tránh trở thành mục tiêu của định kiến xã hội, hoặc tệ hơn là những cuộc trả thù, họ phải gọi những đứa con mình sinh ra với các chiến binh IS là cháu gái, cháu trai. Nếu mối quan hệ máu mủ bị công khai, họ có thể phải chịu lưu đày.

Sự hòa giải giữa những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình IS với người dân Mosul là ngoài tầm với, nhưng bà Younes tin rằng, việc phục hồi tâm lý là khả thi đối với một bộ phận "trẻ em IS" ở thành phố này. Những em trong độ tuổi từ 8 đến 12 sẽ dễ dàng trở lại bình thường nhưng thanh thiếu niên thì khó hơn nhiều vì họ đã có một hệ tư tưởng mạnh mẽ.

Trước thực trạng này, bà Younes mong muốn không chỉ Chính phủ Iraq cần tìm giải pháp giải quyết vấn đề mà cộng đồng quốc tế nên vào cuộc hỗ trợ.

Các chuyên gia dự đoán, tình trạng này sẽ khiến Iraq phải đối mặt với những tổn thất rất lớn về giáo dục và xã hội hậu chiến tranh. Ông Mariyampillai Mariyaselvam, chuyên gia về trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cho hay: "Sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực để xây dựng được cuộc sống mới cho các em. Kể cả khi chiến tranh kết thúc, một đất nước cũng không thể phát triển dễ dàng với số lượng trẻ lang thang lớn như hiện tại".

Đức Luân