Không nỗ lực, khó trụ vững!
Xe++ - Ngày đăng : 06:55, 21/08/2017
Sản xuất, lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Trường Hải (Chu Lai - Quảng Nam). |
Sức ép vì... thiếu chủ động
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 6-2017 cả nước nhập khẩu 7.800 ô tô nguyên chiếc các loại, trị giá 171 triệu USD, giảm 21,3% về lượng và 20,7% về trị giá so với tháng trước, nhưng tính chung trong 6 tháng đầu năm 2017 thì lại tăng 2,9% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dòng xe dưới 9 chỗ ngồi tăng mạnh, với 26.600 chiếc trong 6 tháng đầu năm 2017, tăng 30,1% về lượng và 13,5% về giá trị. Đứng đầu là xe ô tô nhập khẩu từ Indonesia (8.900 chiếc), tiếp đến là Thái Lan (6.600 chiếc)... Anh Nguyễn Văn Hải, làm việc tại salon auto Bảo Tín, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm cho biết, cùng một dòng xe nhưng mức giá của xe nhập cạnh tranh và chất lượng tốt hơn nên được người tiêu dùng lựa chọn và tin dùng.
Thực tế, không phải khi thời điểm ngày 1-1-2018 đến gần thì ngành Công nghiệp ô tô nước ta mới đứng trước áp lực cạnh tranh. Dù đã có cả một một quá trình chuẩn bị trước đó, nhưng chính các doanh nghiệp không chịu "lớn". Thực tế cả nước đã có hơn 400 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ô tô, với các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước thông qua công cụ thuế từ hơn 20 năm qua, nhưng đến nay, ngành này vẫn lép vế trước sự cạnh cạnh tranh từ sản phẩm của các nước trong khu vực. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đều có quy mô vừa và nhỏ.
Tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi bình quân đạt thấp, hiện chỉ khoảng 7-10%, trong khi mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010. Việc không đạt tỷ lệ nội địa hóa như đã cam kết có nguyên nhân thuế nhập khẩu linh kiện quá thấp (khoảng 23%) nên doanh nghiệp chỉ cần nhập linh kiện về lắp ráp là có lãi. Doanh nghiệp thu được lợi ích trước mắt nhưng kìm hãm sự phát triển công nghiệp phụ trợ, không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động...
Phải sớm có ô tô thương hiệu Việt
"Phải sớm có ô tô mang thương hiệu Việt Nam với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với khả năng chi trả của người dân và có tính cạnh tranh cao" là chỉ đạo của Chính phủ đối với ngành Công nghiệp ô tô. Theo đó, các thành phần kinh tế được khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà phải đủ sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô toàn cầu. Nhân rộng mô hình trung tâm, cụm công nghiệp ô tô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô...
Chính phủ cũng giao các ngành rà soát, điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện, phụ tùng ô tô phù hợp với định hướng và các cam kết quốc tế; đề xuất các chính sách thuế, phí, tín dụng ưu đãi phù hợp, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp nhằm phát triển ngành Công nghiệp ô tô gắn với thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ... Bộ Tài chính cho biết, Bộ cũng đang nghiên cứu sửa 5 luật thuế, trong đó có việc nâng thuế tiêu thụ đặc biệt với xe bán tải bằng 60% mức thuế của xe con cùng dung tích xi lanh. Nếu thuế suất của xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 55% thì mức thuế với xe bán tải sẽ là 33%, để tránh việc nhập khẩu ồ ạt.
Tại hội thảo phát triển cụm công nghiệp ô tô trên thế giới và bài học đối với Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Viện Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu dẫn chứng, Chính phủ Thái Lan mở ra nhiều khu công nghiệp và đường cao tốc nối khu công nghiệp với các thành phố. Khi cơ sở hạ tầng đầy đủ sẽ thu hút các nhà sản xuất và từng bước hình thành cụm công nghiệp ô tô hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, để ngành Công nghiệp ô tô phát triển, cạnh tranh lành mạnh với xe nhập khẩu, không ai làm thay và làm tốt hơn doanh nghiệp. Vì vậy, bản thân doanh nghiệp cần hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng tỷ lệ nội địa hóa càng nhiều càng tốt, phát triển công nghiệp phụ trợ... để giảm giá và nâng cao chất lượng sản phẩm.