Tích cực phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 21/08/2017

(HNM) - Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có dịch bệnh sốt xuất huyết với số ca nhiễm liên tục gia tăng.


Tính đến tuần 32 của năm 2017, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 12.217 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 27% so với cùng kỳ. Có 18/24 quận, huyện ghi nhận số ca bệnh gia tăng, trong đó quận 12 tăng 133%, huyện Cần Giờ tăng 125%, huyện Hóc Môn tăng 83%. Cũng từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận 4 trường hợp là bệnh nhi tử vong vì sốt xuất huyết. Trường hợp gần nhất là bệnh nhi 1 tuổi (trú tại quận Bình Thạnh), tử vong sau một tuần điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Trước đó, 3 bệnh nhi mặc dù được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 nhưng cũng không qua khỏi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh.


Theo dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn biến phức tạp. Trong khi đó công tác quản lý, phối hợp giữa người dân, chính quyền cùng các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch bệnh còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Điển hình là việc xử lý vi phạm hành chính (theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thống kê đến hết tháng 7-2017 toàn thành phố có 298 điểm đề nghị xử phạt hành chính vì để đọng nước, có nguy cơ bùng phát muỗi gây dịch bệnh nhưng chỉ có 111 quyết định xử lý được ban hành tại 12 quận, huyện.

Ở 12 quận, huyện còn lại, tức chiếm một nửa thành phố chưa tiến hành xử phạt hành vi để nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Điển hình là tại quận 8, có 79 trường hợp không xử lý nước đọng gây bùng phát muỗi đã được nhắc nhở nhưng người dân không tuân thủ, địa phương đã đề xuất phạt nhưng sau đó không thực hiện. Điều đáng nói, nhiều năm liền quận này luôn đứng trong nhóm dẫn đầu về tình trạng ô nhiễm, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Các địa phương còn lại như huyện Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, quận Gò Vấp, quận 11, quận 9, quận 7, quận 4 đều không đề xuất xử phạt trường hợp nào.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh so sánh: “Một người không đội mũ bảo hiểm thì chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người đó đã bị xử phạt. Vậy tại sao một người, một đơn vị không thực hiện đúng chỉ dẫn diệt ổ lăng quăng để bùng phát dịch sốt xuất huyết cho cộng đồng, tạo ra gánh nặng cho xã hội thì không quyết định xử phạt?”. Bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng thừa nhận các đoàn kiểm tra liên ngành huyện, xã, thị trấn chỉ mới kiểm tra, nhắc nhở, trong khi việc xử phạt còn ít nên không đủ tính răn đe. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác phòng ngừa dịch bệnh không đạt hiệu quả.

Cẩn trọng với bệnh tay chân miệng, viêm não Nhật Bản...

Ngoài sốt xuất huyết, các dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng đang gia tăng trong mùa mưa năm 2017. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ đang vào mùa cao điểm, số ca mắc tuần vừa qua đã tăng hơn 50% so với tuần trước đó; dự báo trong 1-2 tháng tới số lượng trẻ mắc bệnh sẽ tăng lên. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, 90% bệnh nhi mắc tay chân miệng có thể điều trị tại nhà và tái khám. Nhưng trong thời điểm trẻ bắt đầu nhập học, việc lây lan dịch tay chân miệng tại các cơ sở mầm non, tiểu học rất phổ biến nên không được lơ là, chủ quan.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện 2 trường hợp bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản. Trong khi đó, riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ đầu năm tới nay đã tiếp nhận 25 ca dương tính với viêm não Nhật Bản từ các tỉnh khác chuyển về. Có thời điểm, bệnh nhi phải nằm tạm ở khoa Cấp cứu vì khoa Nhiễm - Thần kinh không còn giường hồi sức thở máy. Hiện nay, bệnh này tuy đã giảm được tỷ lệ tử vong nhưng di chứng vì bệnh vẫn rất nặng nề. Khoảng 30% trẻ mắc bệnh bị di chứng sống thực vật.

Điều đáng nói, bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh do muỗi truyền, có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc xin. Hiện vắc xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ từ 12 tháng đến 3 tuổi. Bệnh này lây từ muỗi Culex hay còn gọi là muỗi ruộng, qua trung gian truyền bệnh là lợn, chim. Bệnh thường xuất hiện ở khu vực nông thôn, nhưng khi có nhiều ca bệnh chữa trị tại TP Hồ Chí Minh nên người dân không được chủ quan, vì đây là bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho trẻ.

Theo dự báo, do biến đổi thời tiết năm nay mùa mưa miền Nam đến sớm, kéo dài và nhiều diễn biến bất thường. Mưa kết hợp với thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi và các vi rút truyền bệnh tồn tại, sinh sôi trong môi trường. Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chủ động dọn dẹp, vệ sinh môi trường sống. Khi cơ thể có biểu hiện bất thường cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tuệ Diễm