Nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi

Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 21/08/2017

(HNM) - Ngành Y tế Thủ đô đang lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2025”.


Thích ứng với dân số già

Theo kết quả điều tra sơ bộ của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội tại 30 quận, huyện, thị xã trong năm 2016, Hà Nội có gần 960 nghìn người từ 60 tuổi trở lên (chiếm 12,7% dân số), trong đó có khoảng 180 nghìn người từ 80 tuổi trở lên.

Hướng dẫn người cao tuổi luyện tập dưỡng sinh nâng cao sức khỏe.


Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, tình trạng già hóa dân số đang diễn ra ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hà Nội là thành phố đông dân thứ hai cả nước với tỷ lệ người cao tuổi đang có chiều hướng tăng. Tuổi thọ ngày càng tăng nhưng gánh nặng bệnh tật cũng rất lớn với người cao tuổi. Người già thường mắc nhiều chứng bệnh như: Khả năng nghe, nhìn kém; huyết áp; các bệnh về xương cốt, thần kinh, hệ tiêu hóa, tiết niệu, rối loạn chuyển hóa…

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, rất ít bệnh viện tuyến thành phố có khoa lão. Trong cộng đồng hiện có một số mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhưng còn manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Vì vậy, việc xây dựng và triển khai đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2025” là hết sức cần thiết. Với hai giai đoạn triển khai theo dự kiến, trong đó giai đoạn I (2017-2020) và giai đoạn II (2021-2025) tập trung vào việc xây dựng bệnh viện lão khoa, mở khoa lão tại các bệnh viện, đào tạo các bác sĩ chuyên về lão khoa. Cùng với đó là xây dựng thí điểm các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.

“Với đề án này, Hà Nội mong muốn nâng cao nhận thức và tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung, cơ sở bảo trợ xã hội”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi người cao tuổi nước ta sinh ra trong thời kỳ khó khăn nên sức khỏe rất yếu kém, họ cần có nơi chăm sóc sức khỏe dài hạn. Thêm vào đó, hiện nay, với nhiều gia đình, con cái thường đi làm xa, vì vậy, người già sống độc lập, phải tự chăm sóc cho bản thân nên rất cần đến các cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc.

Nghiên cứu phương án chuyển đổi chức năng

Đóng góp ý kiến cho đề án, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho biết, việc Hà Nội thành lập bệnh viện lão khoa là rất cần thiết. Thế nhưng, xây dựng một bệnh viện mới tại Hà Nội không đơn giản bởi quỹ đất eo hẹp, kinh phí đầu tư xây dựng rất lớn. Nếu xây dựng ở khu vực ngoại thành thì việc đi lại của người cao tuổi gặp khó khăn. Mặt khác, trong đề án cần ghi rõ bệnh viện nào thành lập khoa lão, bệnh viện nào chỉ cần có một số giường dành cho người cao tuổi… để tránh chồng chéo. Hà Nội cũng không nên xây nhà dưỡng lão một cách đại trà mà cần ban hành các chính sách ưu đãi kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh cho rằng, sau gần 2 năm khởi công, Bệnh viện Nhi Hà Nội vẫn chưa rõ “hình hài”. Do vậy, việc xây dựng bệnh viện lão khoa của thành phố cũng không đơn giản. Trong bối cảnh đó, có thể nghiên cứu phương án chuyển đổi chức năng của một bệnh viện nào đó thành bệnh viện lão khoa - như cách mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Chẳng hạn như chuyển đổi Bệnh viện Đa khoa Đống Đa thành Bệnh viện Lão khoa Hà Nội với chức năng và nhiệm vụ như hiện nay nhưng được đầu tư thêm nhân lực, trang thiết bị phục vụ cho chuyên ngành lão khoa…

Đồng tình với ý kiến trên, TS Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi là rất lớn. Khi bệnh nhân cao tuổi được điều trị khỏi bệnh, họ về lại cộng đồng và cần được chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Bởi vậy, song song với việc xây dựng khoa lão tại các bệnh viện, cũng cần tính đến việc xây dựng thêm khu phục hồi chức năng cho người cao tuổi. Khi các cơ sở y tế xây dựng thêm khoa lão thì phải tính đến việc tăng cường nguồn nhân lực. Đó là việc quan trọng bởi thực tế cho thấy, hiện nay, số lượng cán bộ y tế có chuyên môn, được đào tạo chăm sóc lão khoa còn rất ít, thậm chí đang có xu hướng giảm.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một vấn đề lớn. Xây dựng và hoàn thiện đề án liên quan đến việc này là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải tìm ra cách triển khai phù hợp nhằm tạo hiệu quả thiết thực.

Thu Trang