Năm học 2017-2018: Khắc phục tình trạng sĩ số học sinh/lớp quá đông
Giáo dục - Ngày đăng : 13:52, 21/08/2017
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2016-2017, kết quả của toàn ngành có nhiều điểm khởi sắc, trong đó nổi lên vấn đề quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo thống kê, mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên cả nước tăng hơn so với năm học trước 0,6%, trong đó, chủ yếu tập trung vào giáo dục mầm non, tăng 2,3. Số trường phổ thông dân tộc nội trú vẫn giữ ổn định với 314 trường ở 50 tỉnh, thành phố, quy mô học sinh tăng gần 1.600 em so với năm học trước, đạt mức gần 93.000 học sinh. Ở khối đào tạo, cả nước có 235 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, 32 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu trường, lớp mầm non ở các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu đông dân cư vẫn chưa được khắc phục; quy mô trường, lớp ở một số vùng nông thôn, miền núi còn manh mún, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thừa, thiếu cục bộ; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Sĩ số học sinh mầm non, phổ thông/lớp ở một số địa phương còn cao so với quy định.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ được Bộ xác định ưu tiên tập trung thực hiện ngay trong năm học 2017-2018 là rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước. Theo đó, các địa phương có trách nhiệm tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Đối với khu vực thành phố, việc quy hoạch trường, lớp được thực hiện theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất; tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; sắp xếp các điểm trường, lớp hợp lý ở những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non và tiểu học.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả nổi bật của ngành Giáo dục đạt được trong năm học qua, song cũng chỉ rõ 5 vấn đề còn tồn tại của ngành, cụ thể: Việc quản trị của các nhà trường còn nhiều hạn chế, còn nhiều quy định cứng nhắc, có tính đồng loạt, mang nặng tính hình thức; việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới chậm; chưa chú ý đến công tác giáo dục toàn diện; còn để tồn tại hiện tượng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở một số nơi; giáo dục thường xuyên chưa được quan tâm đúng mức.
Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục những bất cập vừa nêu, năm học 2017-2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị ngành Giáo dục quan tâm đến công tác giáo dục cho học sinh với mục tiêu giáo dục học sinh thành người tốt, có trí tuệ và yêu nước, thương nòi; tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh, bắt đầu bằng những việc nhỏ trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như dọn vệ sinh trường lớp, để các em biết yêu lao động, trân trọng người lao động. Phó Thủ tướng kêu gọi phụ huynh học sinh nên cùng tham gia, chia sẻ với giáo viên trong việc này.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo bãi bỏ những quy định, tiêu chuẩn có tính hình thức, những quy định cứng nhắc khiến cơ sở không phát huy được quyền tự chủ, nhưng vẫn phải duy trì các phong trào thi đua nhằm tạo động lực cho thầy và trò, việc triển khai các phong trào thi đua phải mang tính thực chất, hiệu quả.
Về việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng các địa phương không thể lấy lý do không có trường, lớp, thiếu cơ sở vật chất, giáo viên để lùi việc triển khai. Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại toàn bộ các điều kiện triển khai để có bước chuẩn bị tích cực nhất với tinh thần quyết liệt nhưng phải bảo đảm chất lượng.
Về vấn đề đào tạo sư phạm, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, trong giáo dục và đào tạo, người thầy là quan trọng nhất, người thầy giỏi thì có nhiều học trò giỏi, nếu người thầy không tốt thì không biết bao nhiêu học sinh sẽ phải chịu thiệt thòi. Không ai dự báo được số lượng biên chế cần thiết cho từng môn học, cấp học rõ hơn ngành Giáo dục. Vì vậy, việc này đòi hỏi cần có sự đổi mới có tính căn bản, gốc rễ, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương để giải quyết dần dần tình trạng thừa - thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm.
Về vấn đề thi và tuyển sinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện kỳ thi THPT theo hướng ổn định, tạo thuận lợi cho thí sinh và giảm gánh nặng cho xã hội đồng thời tập trung nhiều hơn nữa vào khâu ra đề; còn tuyển sinh là khâu các trường được quyền tự chủ.
Về vấn đề giáo dục cho người lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng cả xã hội đều có vai trò trong việc này, trong đó ngành Giáo dục cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tổ chức đa dạng về hình thức, nội dung các chuyên đề giáo dục dành cho người lớn nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập.