Nghiêm trị hoạt động khai thác cát trái phép

Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 21/08/2017

(HNM) - Đang trong cao điểm mùa mưa bão, nhưng trên tuyến sông Hồng vẫn xuất hiện một số trường hợp khai thác cát, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng.


Dùng mọi thủ đoạn khai thác trái phép

Theo đánh giá của Công an TP Hà Nội, hiện nay, tại địa bàn các quận, huyện: Ba Vì, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm, Thường Tín… vẫn còn 13 “điểm nóng” khai thác cát, sỏi trái phép.

Ba Vì là địa phương có tuyến đê sông Đà dài 9,7km, đê sông Hồng dài 25,6km và giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Tại đây vẫn tồn tại hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Người dân sinh sống ở các xã: Thái Hòa, Phong Vân, Minh Châu, Đông Quang, thị trấn Tây Đằng luôn trong tình cảnh lo sợ bờ sông, chân kè bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất đất canh tác, nhà ở bị hư hại, cuốn trôi…

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết: Để bảo đảm an toàn đê điều trong mùa mưa bão (từ tháng 6 đến tháng 10-2017) nhất thiết phải dừng mọi hoạt động khai thác cát, kể cả điểm có giấy phép... Tuy nhiên, ở huyện Ba Vì, chỉ duy nhất mỏ khai thác của Công ty cổ phần Quảng Tây (có giấy phép) là chấp hành nghiêm, còn lại, một số đối tượng vẫn lén lút, thậm chí ngang nhiên khai thác cát trái phép. Các đối tượng này thường hoạt động xa bờ, lợi dụng địa bàn giáp ranh, sử dụng tàu, thuyền tự chế và chờ đêm xuống mới khai thác nhằm “qua mặt” lực lượng chức năng. Mỗi chuyến hút cát như vậy chỉ diễn ra trong 30-45 phút.

Tại huyện Thường Tín, nơi có khu vực giáp ranh với tỉnh Hưng Yên cũng luôn được đặt trong tình trạng báo động về vấn nạn khai thác cát sai phép. Nguyên nhân là tỉnh Hưng Yên cấp phép khai thác cát lòng sông cho 5 tổ chức, và có đối tượng thường lợi dụng địa bàn giáp ranh để lấn sang địa bàn Hà Nội vào thời điểm 1-2h sáng... Tại các quận, huyện như: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh..., một số đối tượng vẫn ngoan cố, tìm cách khai thác theo kiểu “chộp giật” vào thời điểm nửa đêm hay ngày nghỉ lễ, Tết...

Để ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, sai phép, Công an thành phố đã phối hợp với Công an các quận, huyện: Long Biên, Thường Tín, Phú Xuyên, Ba Vì, Gia Lâm, Đông Anh... thường xuyên tuần tra, kiểm soát để kịp thời xử lý đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, các đối tượng không từ thủ đoạn nào để khai thác trái phép với hành vi ngày càng khó lường… Một số tổ chức lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản là bãi nổi, đã trà trộn, đưa phương tiện tàu hút, tàu cuốc vào hoạt động khai thác cát trái phép ở lòng sông; có đối tượng “núp” dưới “vỏ bọc” thi công các công trình trên sông, nạo vét, chỉnh trị luồng, thanh thải chướng ngại vật dưới lòng sông… để tìm kiếm cơ hội lén lút khai thác cát, sỏi nhằm trục lợi…

Bên cạnh đó, việc tồn tại hàng trăm bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động không phép trên các tuyến: Sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Đuống… cũng “tiếp tay” cho tình trạng khai thác, kinh doanh cát trái phép. Theo nhận định của Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, nếu cấp ủy, chính quyền các địa phương “mạnh tay” xử lý dứt điểm các bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép, không phép ven sông; thu hồi đất và quản lý chặt chẽ… thì sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai thác cát trái phép.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố có 34 bãi chứa đã được UBND thành phố ký hợp đồng cho thuê đất theo quy định, 2 bãi chứa do UBND cấp huyện cho thuê, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Còn lại 212 bãi chứa hoạt động không phép với diện tích 190,89ha do các đơn vị sử dụng đất nông nghiệp, đất công, đất hành lang, mái đê…

Siết chặt quản lý

Bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở ven sông Hồng, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì).


Nhằm xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát. Cụ thể, ngày 14-7-2017, UBND thành phố ban hành Văn bản số 3454/UBND-ĐT chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng các quận, huyện, thị xã… đóng góp ý kiến về Quy định tạm thời sắp xếp các điểm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn.

Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, hiện nay có 94 bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động không phù hợp tiêu chí, cần phải giải tỏa dứt điểm. Còn 154 bãi chứa đang hoạt động phù hợp tiêu chí, hoặc cần điều chỉnh diện tích để phù hợp tiêu chí, có văn bản chấp thuận của thành phố cho thuê đất, đã nộp hồ sơ tại các sở: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, được tiếp tục làm thủ tục thuê đất đến 30-9-2017. Các trường hợp còn lại chưa được thuê đất của cấp có thẩm quyền, giao UBND quận, huyện, thị xã lập hồ sơ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định…

Được biết, từ tháng 6-2017 đến nay, với nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Ba Vì đã phát hiện, bắt giữ 10 vụ vi phạm với 20 đối tượng tham gia khai thác cát trái phép; tạm giữ xử lý 12 tàu hút… Các địa phương khác cũng đã nỗ lực kiểm tra, xử lý nên số vụ khai thác trái phép đã giảm đáng kể.

Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng “Đề án đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát tại các điểm mỏ cát trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn TP Hà Nội”. Công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản là căn cứ pháp lý cho việc lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động khai thác cát san lấp theo quy định; đồng thời, thu hút đầu tư khai thác theo hướng khoa học, an toàn, hiệu quả và bảo đảm bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Theo thống kê mới nhất của Công an thành phố tại Báo cáo số 1002/BC-CAHN-PV11, ngày 4-8-2017: Từ tháng 5-2016 đến cuối tháng 7-2017, lực lượng Công an thành phố và các quận, huyện, thị xã đã phát hiện, kiểm tra, xử lý 316 vụ với 389 đối tượng; tạm giữ 374 tàu, thuyền các loại; hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 270 vụ với số tiền 7,42 tỷ đồng; tịch thu 9 tàu hút...

Ánh Dương