Khó xảy ra “đóng băng”

Bất động sản - Ngày đăng : 07:13, 21/08/2017

(HNM) - Lượng căn hộ tiêu thụ trên thị trường TP Hồ Chí Minh trong 7 tháng qua sụt giảm khiến nhiều người lo lắng bất động sản sẽ “đóng băng”.


"Lệch pha" trong đầu tư đang lớn

Thống kê từ các công ty nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, lượng căn hộ tiêu thụ trong 7 tháng đầu năm nay có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của TS Đinh Thế Hiển, nguồn cung căn hộ 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ năm 2016 và vẫn trong xu thế cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, giới đầu cơ đã "ôm" quá nhiều sản phẩm, đến lúc không thể chịu đựng được lãi suất vay sẽ ồ ạt bung hàng. Khi đó, thị trường căn hộ cao cấp đối mặt với kịch bản giảm giá, trừ phân khúc căn hộ trung cấp trở xuống.

Mức tiêu thụ căn hộ chững lại không phải do cung nhiều hơn cầu mà do sự “lệch pha” trong đầu tư, quá nhiều căn hộ cao cấp ra đời trong khi nhu cầu lớn nằm ở phân khúc bình dân, với giá khoảng 1,2 tỷ đồng trở xuống. Anh Lê Quang Tuân, nhân viên văn phòng làm việc ở quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, vợ chồng anh tích góp được 500 triệu đồng, quyết định vay thêm ngân hàng 700 triệu đồng để mua căn hộ giá từ 1,2 tỷ đồng đến 1,3 tỷ đồng, nhưng tìm ròng rã trên thị trường hơn một tháng nay vẫn không thể mua được. “Tôi đi tìm ở rất nhiều dự án, nhưng hầu hết giá căn hộ là từ 1,5 tỷ đồng”, anh Tuân nói. Đây cũng là tình cảnh rất nhiều cặp vợ chồng trẻ gặp phải, khi giá căn hộ luôn ngoài tầm với của họ.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoReA) đánh giá, do tình trạng “lệch pha” trong đầu tư đang quá lớn nên dự báo trong giai đoạn 2017-2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn, các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản sẽ chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.

Những điểm sáng của thị trường

TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh lại có đánh giá lạc quan hơn về bất động sản trong thời gian tới. Theo TS Bùi Quang Tín, dù giao dịch bất động sản thời gian qua có chững lại nhưng thị trường vẫn có những điểm sáng. Đó là theo báo cáo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hoạt động kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm nay tăng 3,86%; nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang “tiếp sức” cho bất động sản khi đang đứng vị trí thứ tư trong nguồn vốn FDI vào Việt Nam tính từ đầu năm đến nay.

Một yếu tố quan trọng khác là mặt bằng lãi suất từ năm 2016 đến nay luôn ổn định, và xu hướng lãi suất trong 5 tháng còn lại của năm 2017 sẽ giảm hoặc tiếp tục ổn định. Về phía người mua, việc giảm lãi suất cho vay sẽ tác động đến tâm lý những người có nhu cầu thực, nên khi lãi suất ổn định và giảm thì bất động sản sẽ nhận được tác động tích cực kép.

Nhận xét về thị trường, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết, tiêu thụ căn hộ thời gian qua có chững lại, tuy nhiên chỉ cục bộ ở từng khu vực và với từng phân khúc cụ thể nên các doanh nghiệp bất động sản có uy tín, có sản phẩm phù hợp với thị trường thì không bị ảnh hưởng nhiều. Chưa kể, khi bất động sản qua thời kỳ "sốt", người tiêu dùng sẽ “sàng lọc” các chủ đầu tư dự án kỹ hơn nên những công ty có thương hiệu, có uy tín sẽ được lựa chọn.

“Nhu cầu nhà ở luôn luôn tăng theo tỷ lệ dân số. Mỗi năm TP Hồ Chí Minh có mức tăng cơ học khoảng 10%, là khoảng 1 triệu dân, nên nhà ở không bao giờ thừa. Vấn đề của các doanh nghiệp là đáp ứng đúng nhu cầu đó”, ông Nguyễn Nam Hiền nói. Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, phân khúc nhà ở có nhu cầu thật, những căn hộ có giá hợp túi tiền sẽ tiếp tục đắt hàng.

Theo TS Đinh Thế Hiển, dù có những yếu tố đáng lo, nhưng bất động sản những tháng tiếp theo của năm 2017 không thể “đóng băng”, mà vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư cá nhân, nhưng sẽ phân hóa mạnh, đi vào sự chọn lựa dựa trên phân khúc nhà ở có nhu cầu thực và năng lực của nhà đầu tư.

Đặng Loan