Người đam mê chế tạo máy bay mô hình

Đời sống - Ngày đăng : 11:24, 22/08/2017

(HNMO) - Hơn 20 năm sống trọn với niềm đam mê chế tạo máy bay mô hình, anh Nguyễn Thế Phương, (Hàng Trống, Hoàn kiếm, Hà Nội) đã có hàng trăm chiếc máy bay mô hình độc đáo với đủ chủng loại...


Anh Nguyễn Thế Phương đang hoàn thiện một chiếc máy bay mô hình.


Sống với niềm đam mê


Như bao đứa trẻ khác, tuổi thơ của Nguyễn Thế Phương gắn liền với những chiếc tàu bay giấy. Ngay từ nhỏ, anh đã dành tình yêu đặc biệt cho những chiếc máy bay và coi chúng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Sau giờ học, anh thường ngồi chế tạo mô hình máy bay bằng giấy, gỗ... Từ bàn học, tủ quần áo, bàn uống nước, bàn ăn và trên những bức tường trong gia đình đều có sự xuất hiện của những chiếc máy bay.

Anh nhớ lại: “Hồi nhỏ, tôi thường bị bố mẹ mắng, thậm chí cho ăn đòn vì làm quá nhiều máy bay. Sau một thời gian, gia đình hiểu được niềm đam mê của tôi và đã chấp nhận, coi những chiếc máy bay như một thành viên trong gia đình”. Năm 2006, kinh tế phát triển, anh được tiếp cận với những kiến thức chuyên sâu về chế tạo máy bay mô hình có gắn động cơ. Anh bắt đầu tìm hiểu về bản vẽ, cách lắp ghép, rồi kiếm vật dụng để chế tạo như xốp mịn, gỗ siêu nhẹ… Sau hơn 3 tháng miệt mài chế tạo, mô hình chiếc máy bay Boeing của anh đã hoàn thành. Cầm trên tay chiếc máy bay, anh không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Khi đã thạo việc, anh bắt đầu làm nhiều loại như máy bay lưỡng cư, máy bay trinh sát, tàu lượn….

Năm 2008, số lượng máy bay mô hình ở trong nhà đã lên đến hơn 50 chiếc, anh bắt đầu đặt mua động cơ để gắn và chạy thử nghiệm. Để tạo ra một mô hình đã khó nhưng để nó cất cánh được lại càng khó hơn. Tùy thuộc vào loại máy bay, anh phải gắn động cơ sao cho phù hợp, như máy bay quân sự sẽ gắn những động cơ mạnh hơn máy bay dân dụng... Anh chia sẻ: “Mỗi chiếc máy bay sau khi hoàn thiện, người chế tạo phải cho bay thử nghiệm để tìm ra những thiếu sót rồi tinh chỉnh lại cho phù hợp. Làm mô hình máy bay mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng khi bay thử nghiệm, chẳng may bị rơi, nó có thể vỡ tan tành...”.

Để hoàn thiện kỹ năng điều khiển máy bay, anh Phương tham gia Câu lạc bộ (CLB) Hàng không phía Bắc. CLB gồm những người có chung niềm đam mê với bộ môn chế tạo máy bay mô hình. Chủ nhật hằng tuần, các thành viên trong CLB nhóm họp tại sân bay Gia Lâm, cùng nhau chinh phục độ cao, góp ý cho đồng đội về những thiếu sót và chia sẻ kinh nghiệm trong khi bay...

Truyền lửa đam mê

Một buổi bay thử của các học sinh trong lớp học của anh Phương.


Năm 2013, anh bắt đầu làm công tác giảng dạy chế tạo máy bay mô hình cho các em thiếu nhi tại Cung thiếu nhi Hà Nội. Có mặt tại lớp học của anh Phương, chúng tôi thấy các em đang miệt mài nhìn bản vẽ, cắt, dán những miếng xốp rồi ghép lại thành hình một chiếc máy bay.

Anh Phương cho biết, trước khi trải nghiệm bay thật, học sinh phải tập điều khiển máy bay trên máy tính bằng bộ điều khiển chuyên dụng. Tiếp đó, các em sẽ được hướng dẫn để tự mình lắp ráp, hoàn thiện một chiếc máy bay mô hình bằng xốp có gắn động cơ bên trong. Ưu điểm của máy bay tự chế so với máy bay bán tại các cửa hàng là có thể tùy ý thay đổi kiểu dáng, màu sắc theo sở thích của bản thân. Hơn nữa, việc tự chế tạo sẽ giúp các em nhỏ hiểu hơn về cấu tạo, nguyên lý bay... Tuy độ bền không bằng những chiếc máy bay mô hình bán sẵn nhưng máy bay tự chế có giá thành rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng người chơi. Chi phí để chế tạo một mô hình máy bay vào khoảng 200 đến 300 nghìn đồng, còn động cơ và bộ điều khiển khoảng hơn 1 triệu đồng, tùy từng loại.

Em Nguyễn Nhật Lâm (lớp 7), thành viên tích cực nhất trong lớp học của anh Phương chia sẻ: “Mỗi tuần em chỉ có 2 tiếng học với thày nên thường ở nhà, sau khi đã hoàn thành xong bài tập ở trường, em lên mạng, đọc sách để tìm hiểu về cách chế tạo máy bay. Em đã rất vui khi hoàn thiện được một mô hình máy bay cho riêng mình sau 3 tuần theo học”.

Anh Nguyễn Văn Toàn, một phụ huynh nhận xét: “Đây là môn học có tính cộng đồng cao, hữu ích, giúp các con phát huy tính chủ động, sáng tạo về khoa học kỹ thuật, điện tử và thư giãn sau một tuần học tập nên tôi luôn cố gắng thu xếp công việc để đưa con đi học đầy đủ. Qua những buổi học, tôi thấy con khám phá và mở mang thêm được rất nhiều kiến thức, trải nghiệm mới”. 

Quang Thái