Giám sát về xử lý nước thải tại cụm công nghiệp và quản lý các di tích lịch sử
Đời sống - Ngày đăng : 15:34, 23/08/2017
Ban Đô thị HĐND thành phố khảo sát thực tế về xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Tân Triều, huyện Thanh Trì. |
* Tại huyện Thanh Trì, Đoàn giám sát của Ban Đô thị ghi nhận, huyện đã quan tâm tham mưu, đề xuất với thành phố đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại hai cụm công nghiệp Ngọc Hồi và Tân Triều. Tuy nhiên, đến nay mới có trạm xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Ngọc Hồi hoạt động, còn hệ thống xử lý nước thải tại cụm công nghiệp Tân Triều chưa vận hành. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước của huyện trong lĩnh vực thực hiện quy hoạch tại cụm công nghiệp Tân Triều còn lỏng lẻo, chưa quyết liệt xử lý những vi phạm trật tự xây dựng của một số cơ sở sản xuất. Đoàn giám sát đề nghị, UBND huyện Thanh Trì cần rà soát, đánh giá lại công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp Tân Triều; làm rõ tồn tại, hạn chế và có kế hoạch khắc phục. Trong lúc triển khai hệ thống xử lý nước thải tập trung, UBND huyện cần quan tâm kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định trong đầu tư, xả thải của các doanh nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh.
* Làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố ghi nhận và đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền từ quận tới phường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử trên địa bàn. Hiện tại, quận Hoàn Kiếm có 190 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến và các loại hình di tích khác. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng cho rằng, Hoàn Kiếm là quận có nguồn thu ngân sách cao và bền vững, nhưng kinh phí dành cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích còn chưa tương xứng. Việc tu bổ các chùa trên địa bàn quận vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc xếp hạng, khoanh vùng các di tích lịch sử, văn hóa còn chậm; nhiều hộ dân vẫn còn sinh sống trong các khu di tích… Đoàn giám sát đề nghị, quận Hoàn Kiếm tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm kêu gọi người dân tham gia giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn; làm tốt hơn nữa công tác kiểm kê, số hóa các di tích, đề phòng “chảy máu cổ vật”; tiếp tục huy động các nguồn lực bảo tồn và tôn tạo các di tích.