“Nghệ sĩ dương cầm”

Văn hóa - Ngày đăng : 08:21, 12/05/2005

Giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes lần thứ 55; giải Phim hay nhất và Đạo điễn xuất sắc nhất; 3 giải Oscar cho diễn viên xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và cảnh quay đẹp nhất tại Liên hoan phim Oscar lần thứ 75 năm 2003… Đó là những giải thưởng quan trọng nhất mà “Nghệ sĩ dương cầm” - bộ phim của Roman Polanski dựa theo cuốn tiểu thuyết best seller cùng tên của W. Szpilman - viết về “sự sống sót kỳ lạ” của chính nhà văn tại thủ đô Ba Lan trong suốt thời gian thành phố này bị phát xít Đức chiếm đóng (1939 - 1945).

Một cảnh trong phim "Nghệ sĩ dương cầm"

Giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes lần thứ 55; giải Phim hay nhất và Đạo điễn xuất sắc nhất - Viện Nghệ thuật thuật điện ảnh và truyền hình Anh, nơi chưa có bộ phim nào đoạt hai giải trong một buổi bình chọn; 3 giải Oscar cho diễn viên xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất và cảnh quay đẹp nhất tại Liên hoan phim Oscar lần thứ 75 năm 2003… Đó là những giải thưởng quan trọng nhất mà “Nghệ sĩ dương cầm” - bộ phim của Roman Polanski dựa theo cuốn tiểu thuyết best seller cùng tên của W. Szpilman - viết về “sự sống sót kỳ lạ” của chính nhà văn tại thủ đô Ba Lan trong suốt thời gian thành phố này bị phát xít Đức chiếm đóng (1939 - 1945).

Cuộc hành trình giải toả tinh thần và cảm xúc

W. Szpilman đã là một nhà soạn nhạc nổi tiếng. Ông để lại một gia tài âm nhạc đồ sộ: một số bản giao hưởng, khoảng 50 bài hát thiếu nhi và 600 bản nhạc pop.

Cuốn tự truyện thuật lại cuộc sống của ông và gia đình khi phát xít Đức chiếm đóng thành phố. Gia đình ông ly tán, bố mẹ, chị gái bị đưa đi trại tập trung, nơi chắc chắn họ sẽ chết. Vào những tuần cuối của Chiến tranh thế giới 2, sau vài tháng lẩn trốn, Szpilman đã được một người lính Đức - kẻ thù phía bên kia giới tuyến - cứu sống. Đại uý W. Hosenfeld phát hiện ra ông là một Nghệ sĩ dương cầm, đã tìm một chỗ trú ẩn an toàn cho Szpilman rồi thường xuyên mang bánh mì và những tin tức từ mặt trận đến cho người nhạc sĩ Do Thái. Vào tháng 12 năm 1944,quân Đức bịĐồng minh tấn công khắp phía,phải rút lui. Trước khi đi, viên sĩ quan Đức đã mang thức ăn dự trữ và chăn ấm cho W. Szpilman. Điều này giống như một câu chuyện hoang đường khủng khiếp nào đó của Hollywood, nhưng lại là sự thực: Một người thuộc chủng tộc bá chủ đầy lòng căm hờn lại đóng vai thiên thần hộ mệnh.

Tạm biệt khi rõ ràng là người Đức đã thua trong cuộc chiến, Szpilman, ốm yếu, hốc hác, vớilòng biết ơn chân thành đã cầm tay viên sĩ quan Đức nói: “Nếu có chuyện gì xảy ra với anh, biết đâu tôi có thể giúp anh bằng cách nào đấy, anh hãy nhớ tên tôi: W. Szpilman, Đài Phát thanh Ba Lan.”

Szpilman có lẽ là người duy nhất sống sót trong đống hoang tàn đổ nát của Warsaw và hoàn thành cuốn tự truyện với một tâm trạng bình thản, không hề xúc động. Nghệ sĩ dương cầm là một sự hoà trộn giữa cảm giác kinh hãi và niềm vui mà Szpilman phải chịu trong qúa khứ. Mặc dù cả gia đình ông đã chết, thành phố bị tàn phá nhưng cả hai - cuốn sách và bản thân ông, đều không có bất cứ khao khát trả thù nào. Đó chính là tính nhân bản cao nhất, vĩ đại nhất thể hiện trong cuốn tự truyện này. Szpilman đã dựng lên bức tranh chân thực về Hosenfeld, cả những người Do Thái tốt và những kẻ Do Thái tồi, những người Ba Lan đã giúp ông và những kẻ Ba Lan đã lừa ông.

Szpilman đã viết trang đầu tiên của cuốn sách này vào năm 1945. Theo người con trai Andrzeij Szpilman, ông viết cho chính bản thân mình hơn là công bố cho toàn nhân loại. Nó làm ông chịu đựng được bao điều trong thời gian chiến tranh ác liệt, giải toả tinh thần và cảm xúc của ông đểsống tiếp.

Đến một tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới

Cuốn tự truyện ban đầu được viết dưới tiêu đề “Sự kết liễu của một thành phố” (Death of a city) và nó đã không được tái bản từ hồi ấy bởi chứa đựng quá nhiều sự thật đau đớn. Năm 1997, nhờ những nỗ lực của Andrzej Szpilman - con trai của tác giả đang sống tại Đức - cuốn sách được xuất bản tại Đức và nhanh chóng trở thành sách bán chạy nhất. Hai năm sau, năm 1999, sách được xuất bản bằng tiếng Anh. “Ngay sau khi đọc xong chương đầu, lập tức tôi biết chắc chắn rằng Nghệ sĩ dương cầm sẽ là bộ phim tiếp theo của tôi. Tại sao tôi lại nói như vậy ? Đó chính là câu chuyện tôi đang tìm kiếm: Mặc dù ám ảnh bởi sự khủng khiếp của chiến tranh, nhưng cuốn hồi ký vẫn toát lên vẻ lạc quan, tràn trề hi vọng” - R. Polanski nói.

Trong phim Nghệ sĩ dương cầm, R.Polanski đã làm khán giả kinh ngạc khi ông mô tả những sự kiện của cuộc chiến bằng cảnh quay rất đơn giản. Từ sự thất bại của Ba Lan trước quân phát xít Đức vào tháng 9-1939 cho đến tình trạng giam những người Do Thái trong một ghetto hôi hám, đói rét. Và bộ phim cùng đạo diễn đã xứng đáng với những gì nó được trao tặng.

“Bố mẹ tôi lần đầu xem bộ phim tại liên hoan phim Cannes.” - Brody, diễn viên chính của phim kể . “Đó là lần đầu tiên tôi cùng xem với khán giả và đó là ngày sinh nhật mẹ tôi. Có khoảng 2.000 người và mất đến 20 phút khán giả đã đứng lên hoan hô. Tôi khóc, mẹ tôi khóc, bố tôi cũng khóc và xung quanh, hầu hết mọi người đều khóc. Đó là những giây phút rất đỗi lạ thường mà bất cứ ai cũng không thể quên được”.

30 năm đã trôi qua, cuộc chiến vẫn để lại những vết sẹo khó lành. W. Szpilman cũng đã ra đi ở tuổi 88 (năm 2000) nhưng Nghệ sĩ dương cầm đã để lại cho những người có lương tâm những câu hỏi mang tính nhân văn: “Làm sao một con người lại có thể thiết lập sự hủy diệt một cách có hệ thống và tàn nhẫn đến như vậy ? Và liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn điều tương tự nào đó trong tương lai ?”.

HNM

ANHTHU