Những thay đổi về chất

Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 26/08/2017

(HNM) - Sau hơn 5 tháng Hà Nội đấu thầu việc duy trì công tác vệ sinh môi trường (từ 1-3-2017), đến nay mọi hoạt động đã đi vào nền nếp. Cùng với tiết kiệm kinh phí cho ngân sách, công tác vệ sinh môi trường tại các tuyến phố ở khu vực nội đô đã được thay đổi về chất.

Thay đổi thói quen "sạch nhà, bẩn phố"

Phố Tống Duy Tân (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) giờ đã khang trang, sạch đẹp hơn. Các hàng quán kinh doanh đều xếp bàn ghế ngăn nắp, tại mỗi vị trí bàn ăn có những thùng rác nhỏ; xe máy, xe đạp xếp đúng nơi quy định trong vạch kẻ sẵn. Hình ảnh này trái hẳn với cảnh lộn xộn, nhếch nhác, mất an ninh trật tự của nhiều năm trước. Hiện tượng cãi vã, chèo kéo khách giữa các cửa hàng kinh doanh không còn.

Người dân chủ động làm vệ sinh nơi công cộng. Ảnh: Anh Tuấn


Không riêng gì quận Hoàn Kiếm, tại quận Đống Đa, công tác vệ sinh môi trường đã được đổi mới nhiều. Theo đó, công tác thu gom rác đã chuyển từ bị động sang chủ động. Cụ thể, giờ thu gom sẽ tiến hành từ 19h30 - 22h đối với hộ dân trong ngõ và từ 20h đến 22h đối với hộ dân mặt phố. Theo ông Phạm Việt Cừ, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, điều này sẽ thay đổi thói quen của người dân từ vứt rác bừa bãi, bỏ rác mọi nơi, mọi lúc sang bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; thay đổi nếp nghĩ "sạch nhà, bẩn phố" sang "sạch nhà, sạch phố".

Cùng với đó, trên địa bàn quận cũng thay đổi thu gom rác hở sang thu gom rác kín theo phương châm 4 kín “Bỏ rác vào túi kín - Thùng thu chứa kín - Xe vận chuyển kín - Thu gom theo mạch vòng khép kín”. Tại các trục tuyến phố chính, công tác quét, hút, rửa đường được chuyển sang hình thức cơ giới đã mang vẻ hiện đại, sạch sẽ cho từng tuyến phố.

Vẫn còn trăn trở

Theo ông Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), trước đây theo cơ chế “đặt hàng”, các đơn vị hoàn toàn chủ động trong công việc, nhưng khi chuyển sang đấu thầu, đơn giá giảm tới hơn 30% buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm quy trình, tần suất.

Thêm vào đó, việc ban hành đơn giá theo Quyết định 6841/QĐ-UBND ngày 13-12-2016 giúp tiết kiệm ngân sách, nhưng chưa khảo sát các hạng mục công việc thực tế tại hiện trường để điều chỉnh và xây dựng các định mức mới cho phù hợp; thiếu một số định mức đơn giá cho các công việc thực tế cần thực hiện như quét hè bằng xe cơ giới, quét ngõ, xóm, nên đã gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai.

Để gìn giữ môi trường tại các quận trung tâm, đến nay URENCO đã lắp đặt được gần 5.000 thùng rác các loại, tuy nhiên, công tác này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân là chính quyền một số phường vẫn chưa phối hợp với công ty trong việc thống nhất vị trí lắp đặt dẫn đến tình trạng một số người phản ứng, xô đạp, tự ý di chuyển, vẽ bậy lên thùng rác. Tại một số điểm, người dân còn vứt xỉ than, phế thải xây dựng, các vật cồng kềnh, kích thước lớn làm cháy và hư hỏng thùng rác...

Đợt khảo sát mới đây cũng cho thấy, việc tập trung tăng cường cơ giới hóa, tổ chức đấu thầu tập trung thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tiết giảm kinh phí ngân sách, tập trung đầu mối, tăng tính công khai, minh bạch và khả năng cạnh tranh của các nhà thầu cung ứng dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Công tác này đã và đang từng bước chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.

Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức cung ứng từ “đặt hàng” sang đấu thầu, hồ sơ mời thầu chưa chú trọng vào yêu cầu chất lượng, tần suất, khối lượng đặc thù theo từng địa bàn, dẫn đến nhiều phát sinh trong thực tế gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Hiện tại, để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường tại các tuyến phố ở các quận trung tâm luôn sạch, đẹp, các cơ quan tham mưu cho thành phố đang nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung một số định mức đơn giá cho phù hợp tình hình thực tế.

Phương Nhi