Nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư
Đời sống - Ngày đăng : 07:19, 26/08/2017
Thấp thỏm nỗi lo
Nhiều người vẫn chưa quên vụ cháy vào rạng sáng ngày 19-7, tại ngôi nhà 4 tầng ở số 48, ngõ 41 (phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) để lại hậu quả thương tâm. Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1, tầng 1 căn nhà kinh doanh tạp hóa, tầng 2, 3 chứa hàng hóa với lượng lớn giấy tờ, nhựa, nilon... là những vật liệu dễ cháy, tỏa nhiệt cao và phát sinh nhiều khói, khí độc.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã xảy ra 37 vụ cháy nhà ở kết hợp làm nơi kinh doanh, dịch vụ. Đáng lo ngại, thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho thấy, thành phố hiện có hơn 140 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao.
Làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ xảy ra. Ảnh: Thái Hiền |
Trong con ngõ tại phố Lụa (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), hàng chục hộ kinh doanh vải, lụa và sản phẩm từ vải, lụa bày biện hàng hóa san sát lối đi. Do sợ mưa, nắng ảnh hưởng đến hàng hóa, các hộ kinh doanh đã lợp kín ngõ phố bằng mái tôn, bạt nhựa. Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng tổ dân phố Chiến Thắng cho biết: Các hộ kinh doanh đã trang bị bình cứu hỏa, tuy nhiên hầu hết bình cứu hỏa cất trong nhà. Do đó, nếu xảy ra cháy nổ, khu vực này sẽ rất nguy hiểm.
Tại phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Mạnh Dũng cho biết, trên địa bàn phường còn nhiều khu dân cư, nhà dân xây dựng lâu năm, hiện đã có dấu hiệu xuống cấp không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy...
Không chỉ hai địa bàn trên, TP Hà Nội còn nhiều khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra cháy như ở đường Đê La Thành, ngõ chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm), làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), làng nghề gỗ Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)… Tại những khu vực này, người dân thường sử dụng toàn bộ diện tích hoặc tầng 1 của ngôi nhà để sản xuất, kinh doanh...
Bên cạnh đó, hệ thống dây điện, viễn thông chằng chịt áp sát trước nhà khiến nguy cơ cháy nổ càng cao. Không chỉ vậy, do hành lang và khoảng cách an toàn chống cháy lan giữa hai nhà cạnh nhau hoặc đối diện gần như không có nên khi xảy ra hỏa hoạn, lửa có thể nhanh chóng lan sang nhà lân cận...
Làm tốt "4 tại chỗ"
Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ tại khu dân cư, UBND TP Hà Nội vừa có Công văn 3884/UBND-NC, thực hiện một số giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, Chủ tịch UBND 30 quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND 584 xã, phường, thị trấn phân công cán bộ chuyên trách kiểm tra, theo dõi công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch thống kê, tổng rà soát, kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các cơ sở vừa kinh doanh vừa làm nhà ở, văn phòng... kiên quyết xử lý những trường hợp không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần chú trọng xây dựng phương án, giải pháp phòng cháy, chữa cháy cho từng loại hình, cơ sở, hộ gia đình...
Để công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được kịp thời, yêu cầu tiên quyết đặt ra là phải làm tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Mô hình này đã được một số nơi áp dụng. Quản lý địa bàn lớn gồm 3 huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức với nhiều khu dân cư gắn với làng nghề thủ công, Đại tá Đặng Duy Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 15 cho biết, phòng đã chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân về phòng, chống cháy nổ bằng nhiều hình thức.
Từ đó, người dân nhận thức được sự nguy hiểm nên đã tự tổ chức các đội chữa cháy với nhân lực, phương tiện tại chỗ như máy bơm, vòi phun nước “cơ động” trên xe công nông, xe tải nhỏ để dễ dàng hoạt động tại các ngõ hẹp. Khi xảy ra cháy có thể tiếp cận hiện trường nhanh và xử lý hiệu quả trước khi đội chữa cháy chuyên nghiệp có mặt.
Tại quận Cầu Giấy, từ bài học lớn sau vụ cháy tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng năm 2016, quận đã có sáng kiến lập các tổ chữa cháy tại chỗ từ 111 tổ cảnh sát khu vực. Mỗi tổ dân phố thành lập tổ chữa cháy gồm 5-7 thành viên, được trang bị thiết bị và tập huấn nghiệp vụ.
Cùng với nỗ lực của các lực lượng phòng cháy, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội khuyến cáo: Các hộ gia đình kết hợp kinh doanh, dịch vụ nên sắp xếp hàng hóa bảo đảm lối thoát nạn, có phương án thoát hiểm. Đồng thời cần tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, trang bị thiết bị chữa cháy, báo cháy tại nhà.