Cầu nối giữa sách và bạn đọc
Sách - Ngày đăng : 07:41, 27/08/2017
Với gần 4 vạn tên sách, phục vụ nhu cầu của hàng nghìn lượt độc giả, sự kiện thực sự là cầu nối giữa sách và bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Ngọc Bảo về vấn đề này.
Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo (thứ ba từ phải sang) giới thiệu sách tại Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam. |
- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam kỳ này?
- Tôi rất mừng khi được thấy sự hiện diện của đông đảo bạn đọc trong nước và quốc tế tại sự kiện. Điều đó cho thấy sự quảng bá các hoạt động của Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần thứ VI - năm 2017 nói riêng và sự quảng bá xuất bản phẩm nói chung rất hiệu quả.
Đây là hoạt động do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức theo định kỳ 2 năm một lần, thực sự là điểm hẹn giữa bạn đọc và sách, giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
- Sự tham gia của 94 đơn vị cho thấy phần nào diện mạo của ngành Xuất bản, In và Phát hành nước nhà, thưa ông?
- Có thể nói như vậy. Quy mô hoạt động của Triển lãm - Hội chợ sách kỳ này rất lớn với 90 gian hàng, tổng số xuất bản phẩm được trưng bày, quảng bá lên đến gần 4 vạn tên sách với hàng vạn bản in các loại, trong đó, hơn 7.500 tên sách với hơn 2 vạn bản sách ngoại văn. Triển lãm - Hội chợ sách ngày càng khẳng định thương hiệu và sự thu hút đối với bạn bè quốc tế. Trước đây không dễ mời các đơn vị xuất bản quốc tế lớn.
Nhưng đến nay, đã có sự hiện diện của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga cùng 6 đơn vị nước ngoài trực tiếp tham gia tổ chức gian hàng và các hoạt động giao dịch, mua bán bản quyền, bao gồm Công ty Wedge Holdings Co., Ltd.; Công ty Vista P.S; Công ty Tuttle Mori Thailand; Nhà Xuất bản John Wiley & Sons; Nhà Xuất bản Pearson; Nhà Xuất bản Cengage. Ngoài ra, còn 24 nhà xuất bản lớn, có uy tín của nước ngoài như Oxford, Macmillan, Express, Collin... ủy nhiệm tham gia các hoạt động của Hội chợ sách thông qua 7 đơn vị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Có thể khẳng định cầu nối giữa ngành Xuất bản Việt Nam và ngành Xuất bản thế giới đã được khơi thông, tạo điều kiện để chúng ta chủ động hội nhập, trao đổi, mua bán, giới thiệu bản quyền.
- Trải qua 6 kỳ tổ chức, theo ông, “thu hoạch” lớn nhất của Ban tổ chức sau mỗi kỳ Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế là gì?
- Ngành Xuất bản Việt Nam đã từng bước tham gia vững chắc thị trường xuất bản phẩm khu vực và quốc tế. Không có công thức chung, nhưng rõ ràng qua mỗi kỳ cuộc chúng ta lại dần hoàn thiện khâu tổ chức, ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Với sự đổi mới, Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế đã khẳng định được thương hiệu, là địa chỉ tin cậy được bạn bè quốc tế lựa chọn tham gia, mở rộng mối quan hệ hợp tác về xuất bản giữa Việt Nam với các nước.
- Ông nhìn nhận thế nào về ý nghĩa của những sự kiện như Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế trong hành trình phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam?
- Thông qua các sự kiện của ngành, đặc biệt là Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế, ngành Xuất bản Việt Nam đã chủ động hơn trong việc trao đổi, hợp tác bản quyền với nước ngoài, từng bước tiếp cận với công nghệ xuất bản hiện đại. Sách điện tử của Việt Nam đang phát triển mạnh, giới thiệu tới bạn đọc ngày càng nhiều xuất bản phẩm với phương án xuất bản linh hoạt và cập nhật hơn. Những ngày qua, tại Công viên Thống Nhất, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông đã trưng bày sách điện tử, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
Sách tại Triển lãm - Hội chợ được in đẹp, có mã số tiêu chuẩn quốc tế, có điều kiện tiếp cận thị trường thế giới. Điều đó cho thấy ngành Xuất bản Việt Nam đang từng bước hội nhập vững chắc. Một khi có sức mạnh nội tại, cung cấp được nhiều sách hay, đẹp, mức giá phù hợp với thị trường, các đơn vị xuất bản sẽ tiếp cận ngày càng gần hơn với độc giả, góp phần lan tỏa tri thức và tình yêu sách, qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy văn hóa đọc.
- Thực ra chúng ta còn rất nhiều điều phải làm để lan tỏa tình yêu sách trong cộng đồng. Theo ông, ngành Xuất bản cần hỗ trợ ra sao để thực hiện tốt nhiệm vụ đó?
- Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi trọng văn hóa đọc. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định sách là công cụ quan trọng trong việc xây dựng nền tảng tri thức cộng đồng. Sách là sản phẩm văn hóa tinh thần không thể thiếu đối với sự hình thành, phát triển của mỗi đất nước. Hơn nữa, sách cũng là nhịp cầu gắn kết giữa các quốc gia, dân tộc, làm nên đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của nhân loại.
Với ý nghĩa sâu sắc đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng xuất bản phẩm của nhân dân trong nước và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài. Các đơn vị xuất bản cần nắm bắt, tận dụng tốt chính sách đó để phát huy nội lực. Mỗi đơn vị xuất bản phát triển sẽ tạo thành sức mạnh chung cho ngành, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội trong việc tham gia đầu tư trí tuệ và các nguồn lực cho hoạt động xuất bản.
- Trân trọng cảm ơn ông!