Nhân sự là nòng cốt trong đổi mới sáng tạo

Công nghệ - Ngày đăng : 08:31, 29/08/2017

(HNM) - Giáo sư Göran Roos nêu bật luận điểm: Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề nhân sự mang tính quyết định với ba kỹ năng chính cần có là chuyên môn, giao tiếp và giải quyết vấn đề.

Nghiên cứu, đổi mới sáng tạo KH-CN nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Nhật Nam


Khoa học - công nghệ là động lực phát triển

Giáo sư Göran Roos là một trong 13 nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ XXI theo bình chọn của Tạp chí kinh doanh “Direccion y Progreso” của Tây Ban Nha. Ông cũng là người sáng lập ra ngành khoa học về nguồn vốn trí tuệ hiện đại. Trong buổi thuyết trình có chủ đề “Đổi mới sáng tạo với tăng trưởng kinh tế - Bối cảnh mới của thế giới và các khuyến nghị chính sách”, ông đã đề cập tới các vấn đề như: Chính sách công nghiệp và xã hội; giáo dục và phát triển kỹ năng; phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, Giáo sư đã đưa ra các giải pháp mang tính chiến lược và tái cấu trúc hệ thống hiện hành nhằm nâng cao năng lực KH-CN, năng lực công nghệ đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp để chủ động ứng phó với các thách thức, khai thác tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó, KH-CN thực sự trở thành động lực phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Giáo sư Göran Roos nhận định: Việt Nam là một thị trường lớn với khoảng một trăm triệu dân, điều đó có nghĩa là đổi mới sáng tạo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc mở ra cơ hội kinh doanh. “KH-CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều chúng ta phải quan tâm là vấn đề nhân sự - đặc biệt là hoàn thiện 3 kỹ năng, gồm chuyên môn, giao tiếp và giải quyết vấn đề”, Giáo sư Göran Roos khẳng định.

Giáo sư Göran Roos còn đưa ra một số khuyến nghị cơ bản giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như: Không ngừng cải cách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên mọi lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng như cấp chứng nhận đầu tư, thuế, tín dụng… nhằm làm minh bạch và thông thoáng môi trường kinh doanh. Cần xác định được chiến lược phát triển đất nước trong dài hạn, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, tập trung nguồn lực thực hiện nhằm đạt được kết quả trong tương lai.

Cán bộ phải không ngừng đổi mới

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, đại biểu Quốc hội khóa XIV, những ý kiến cũng như các khuyến nghị của Giáo sư Göran Ross về đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế đã đem tới cái nhìn mới mẻ hơn về ý nghĩa của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam trong dài hạn. Ông Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, những ý kiến này có thể hỗ trợ cho ông trong quá trình tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng chính sách quản lý nhà nước về KH-CN, đổi mới sáng tạo tại địa phương cũng như trong cả nước.

Trước quan điểm về vấn đề nhân sự của Giáo sư Göran Ross, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn II cho rằng, trong bối cảnh thế giới với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý KH-CN và đổi mới sáng tạo phải dũng cảm thay đổi, trước hết là trong tư duy chiến lược về quản lý.

Bà Trần Thu Hương đưa ra khuyến nghị: Từ góc độ đổi mới sáng tạo, bên cạnh các chỉ số chính để đo lường hiệu quả của hoạt động KH-CN là số lượng bài báo và sáng chế như hiện nay, cần bổ sung các chỉ số mang tính thực tế hơn đối với doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập trên cơ sở kết quả nghiên cứu, như cơ hội việc làm, doanh thu, đặc biệt là sản phẩm, dịch vụ mới cung cấp cho thị trường.

Chia sẻ với phần thuyết trình của Giáo sư Göran Roos và những ý kiến nói trên, Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Tại Việt Nam, KH-CN và đổi mới sáng tạo đã thực sự trở thành đòn bẩy quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của nền kinh tế, là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp. Để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, coi đó như một trong các khâu đột phá mang tính chiến lược trong công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sự phát triển như vũ bão của các công nghệ thế hệ mới buộc đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động KH-CN phải không ngừng đổi mới để ứng phó với các thách thức và thay đổi đó.

“Cần đổi mới trong tư duy chiến lược về hoạch định chính sách phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng, sao cho lực lượng KH-CN luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ KH-CN để đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của đất nước, của ngành hay của lĩnh vực”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định.

Mai Hà