Dạy - học tiếng Anh bậc tiểu học: Còn trăn trở về chất lượng
Giáo dục - Ngày đăng : 08:09, 29/08/2017
Hướng dẫn học sinh trong giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì). Ảnh: Nhật Nam |
Yếu và thiếu
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2008 với những giải pháp và lộ trình cụ thể nhằm triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm bắt đầu từ lớp 3 cho 100% học sinh vào năm học 2018-2019. Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới đang rục rịch triển khai tại các nhà trường nhằm tạo ra thế hệ học sinh không chỉ giỏi các môn học truyền thống mà còn sử dụng ngoại ngữ như một công cụ, thì những bất cập, hạn chế về dạy - học tiếng Anh của ngành Giáo dục thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội.
Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng thừa nhận việc triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm ở giáo dục phổ thông còn lúng túng, số lượng học sinh theo học còn thấp so với mục tiêu của đề án, chất lượng dạy học còn nhiều điều đáng bàn. Những hạn chế này dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về năng lực ngoại ngữ. Năm học 2016-2017, cả nước có 64% số học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được học tiếng Anh, trong đó, tỷ lệ học sinh lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh chiếm 86%, tỷ lệ học sinh được học 4 tiết/tuần đạt 50%, hầu hết số còn lại học 2 buổi/tuần.
Tại Hà Nội, tỷ lệ học sinh học tiếng Anh với thời lượng 4 tiết/tuần vào khoảng 60%, tương đương khoảng 385.000 em. Tuy nhiên, kết quả khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, trong số 4 kỹ năng cơ bản, hầu hết các em mới chỉ đạt yêu cầu về đọc và viết, hai kỹ năng nghe và nói còn yếu, nhất là đối với học sinh các trường khu vực ngoại thành như Ba Vì, Mê Linh, Phú Xuyên, Mỹ Đức…
Chất lượng dạy học ngoại ngữ tại các trường tiểu học bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có liên quan tới số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên. Một trong những lý do khiến tỷ lệ học sinh tiểu học được học ngoại ngữ còn thấp là thiếu giáo viên, đa phần các trường mới chỉ dạy được 2 tiết/tuần. Ước tính, để dạy đủ 4 tiết/tuần, cả nước cần bổ sung khoảng 7.700 giáo viên tiếng Anh.
Hà Nội - địa phương có nhiều thuận lợi so với nhiều tỉnh/thành phố khác, cũng đối mặt với bài toán khó này. Nếu chiểu theo Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" với yêu cầu giáo viên phải có trình độ tối thiểu từ B1 trở lên, thì có khoảng 75% số giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học đạt yêu cầu, số còn lại chưa bảo đảm chất lượng dạy học.
Băn khoăn với chất lượng giảng dạy liên kết
Trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về điều kiện dạy học ngoại ngữ, việc tổ chức liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để cải thiện chất lượng dạy - học là một trong những giải pháp được các trường học trên địa bàn thành phố triển khai và cơ bản nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Tại Hà Nội, mô hình liên kết giảng dạy ngoại ngữ với các trung tâm hiện có ở cả ba cấp học, nhiều nhất là cấp tiểu học với khoảng 600 trường, số lượng trung tâm đang thực hiện liên kết là hơn 10 đơn vị.
Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chương trình liên kết duy trì trong nhiều năm qua tại các trường học là minh chứng cho thấy nhu cầu cho học sinh sớm làm quen với tiếng Anh khá cao. Tùy theo khả năng về tài chính, phụ huynh có nhiều lựa chọn về chương trình giảng dạy, trong đó chương trình nội địa có mức học phí khoảng 50.000-70.000 đồng/tháng/học sinh; chương trình có yếu tố nước ngoài là 150.000 đồng/tháng/học sinh; nếu học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài thì mức học phí khoảng 400.000-700.000 đồng/tháng/học sinh…
Bà Nguyễn Thu Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho rằng, việc học tiếng Anh tại trường có thuận lợi là tiết kiệm thời gian và có được sự giám sát về chuyên môn, tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có cùng nguyện vọng lựa chọn đơn vị liên kết. Nếu muốn con được học đúng nơi gia đình cần, phụ huynh vẫn phải đưa con đến trung tâm. Còn chị Mai Kim Tình, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thạch Bàn B (quận Long Biên) lại băn khoăn về chất lượng dạy học tiếng Anh của các đơn vị liên kết; kết quả học tập theo thông báo và chất lượng thực tế nhiều khi có sự khác biệt.
Nhằm nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh, đồng thời tạo sự minh bạch, công khai với phụ huynh, điều kiện bắt buộc đối với các trường khi triển khai chương trình liên kết giảng dạy là không được ép buộc học sinh học dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngoài ra, theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc lựa chọn trung tâm nào để tổ chức liên kết giảng dạy ngoại ngữ trong nhà trường phải căn cứ vào các điều kiện thực tế và có sự đồng thuận của phụ huynh; mỗi nhà trường chỉ được tổ chức liên kết tối đa với hai đơn vị; những đơn vị này phải được sự thẩm định, phê duyệt của cơ quan quản lý.
Thống kê sơ bộ vào cuối năm học 2016-2017 tại quận Hai Bà Trưng cho thấy, có 73/97 trường tổ chức liên kết dạy ngoại ngữ song tỷ lệ học sinh đăng ký học ở các trường là khác nhau, cao nhất khoảng 80%. Tại quận Thanh Xuân, nhằm hạn chế những băn khoăn từ phía phụ huynh, các nhà trường được chỉ đạo không tổ chức liên kết dạy ngoại ngữ tại trường; nếu có nguyện vọng cho con học ngoại ngữ, phụ huynh có thể lựa chọn các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài nhà trường.
Thực tế trên cho thấy, để đạt được mục tiêu của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, trong đó có việc cải thiện chất lượng dạy - học tiếng Anh ngay từ cấp tiểu học, các cơ quan quản lý đang đối mặt với khá nhiều thách thức cần phải vượt qua.