Xử lý nghiêm đơn vị, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

Đời sống - Ngày đăng : 18:38, 29/08/2017

(HNMO) - Chiều 29-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

Chiều 29-8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.


PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 27-8, cả nước ghi nhận hơn 102 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 26 trường hợp tử vong (số mắc tăng 51% so với cùng kỳ năm 2016). Riêng tại Hà Nội, số ca mắc được ghi nhận là hơn 22.000, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Trong tuần qua, giảm 612 trường hợp mắc sốt xuất huyết so với tuần trước. Một số quận, huyện có số ca mắc giảm từ 60 đến 100 ca như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Thanh Oai, Hà Đông, Nam Từ Liêm... Tuy nhiên, một số quận/huyện có số ca mắc tăng như Đông Anh, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức...

Cũng theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, tại một số xã/phường, công tác phòng chống dịch chưa tuân thủ sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội. Cụ thể, công tác phun thuốc diệt muỗi chưa có phương án cụ thể nên chưa thực hiện được triệt để. Đội xung kích hoạt động chưa hiệu quả. "Theo quy định, việc phun thuốc tại các ổ dịch hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, có nơi, người dân phản ánh có hiện tượng giả danh cán bộ y tế đi phun thuốc và thu tiến. Về vấn đề này, chúng ta phải tăng cường kiểm tra. Nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm", PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nói.

Tại cuộc họp, đại diện các quận/huyện như: Hai Bà Trưng, Đông Anh, Ba Vì, Thường Tín, Hoài Đức nêu khó khăn trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, nhất là vấn đề thiếu kinh phí và thiếu thiết bị phun.

Đề cập đến vấn đề này, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục bổ sung kinh phí để mua thêm các trang thiết bị phòng, chống dịch. Dự kiến, nguồn kinh phí bổ sung sẽ là 62 tỷ đồng. Ngoài 40 máy phun sẽ nhập về trong tuần này, thành phố sẽ tiếp tục bổ sung thêm 10 máy phun cỡ lớn trên ô tô, 228 máy đeo vai và hơn 40 máy phun mù nóng. Thành phố bảo đảm không để thiếu vật tư hoá chất và chế độ cho cán bộ phòng, chống dịch bệnh.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã tiếp tục chỉ đạo tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc. Mặt khác, cần tuyên truyền, vận động để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại nơi làm việc và gia đình.

Để công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn tiếp tục tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi hằng tuần cho đến khi hết dịch; bảo đảm cấp kinh phí kịp thời để hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân không thực hiện các biện pháp chống dịch. Sở Y tế phải làm việc với Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông để huy động và phân công sinh viên tham gia hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các quận/huyện trọng điểm.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký Công văn hoả tốc số 4231/UBND-KGVX gửi thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Chủ tịch UBND các quận/huyện/thị xã, yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Gia Phong