Thu hồi tiền cho vay, tiền nợ đọng thuế theo quy định
Kinh tế - Ngày đăng : 07:50, 29/08/2017
Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý việc thu thuế tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ. Ảnh: Nhật Nam |
Nhiều đơn vị gặp khó
Theo tổng hợp của Sở Tài chính, giai đoạn 2014-2015, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính với tổng số tiền gần 1.700 tỷ đồng, nhưng đến nay các đơn vị, doanh nghiệp mới xử lý thu hồi được 68%. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn, thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Thuế đã tích cực đôn đốc các doanh nghiệp nộp thuế. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014-2015, các doanh nghiệp mới nộp đạt 91%, vẫn còn 8 doanh nghiệp chưa nộp với số tiền hơn 170 tỷ đồng.
Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội có nhiệm vụ ứng vốn cho phát triển quỹ đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng quỹ nhà tái định cư theo quy hoạch và các công trình hạ tầng tại địa phương có đất bị thu hồi. Thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đã đôn đốc thu hồi 11 dự án được cơ quan Kiểm toán Nhà nước chọn mẫu với số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Chu Nguyên Thành, quá trình tổng hợp, rà soát vẫn còn một số dự án chưa thu hồi được vốn tạm ứng đền bù giải phóng mặt bằng do các hộ dân không nhận tiền, chủ đầu tư đã gửi vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước; một số khoản tạm ứng cho giai đoạn đầu thực hiện các dự án tái định cư, chủ đầu tư ngại hoàn thiện thu hồi tạm ứng vì số tiền nhỏ.
Đặc biệt, thời gian gần đây, thành phố có chủ trương dừng thực hiện một số dự án đầu tư đang triển khai để chuyển sang sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, nên các chủ đầu tư không quan tâm đến thu hồi vốn tạm ứng... dẫn đến thu hồi vốn khó khăn.
Qua giám sát, Sở Khoa học - Công nghệ Hà Nội cũng là đơn vị gặp khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán theo quy định đối với các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Dù đã cố gắng thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, nhưng các khoản chi thuê địa điểm tập huấn tại các hợp tác xã nông nghiệp không có hóa đơn giá trị gia tăng và mua văn phòng phẩm cho học viên không có danh sách ký nhận ở 3 hợp tác xã thuộc các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng vẫn chưa hoàn thiện. Nguyên nhân do thời gian thực hiện đề tài từ năm 2014, thay đổi nhân sự phụ trách, nên đến nay vẫn chưa hoàn thiện chứng từ cho dù số tiền chỉ khoảng hơn 50 triệu đồng/hợp tác xã.
Cần biện pháp xử lý quyết liệt
Làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách, đại diện Sở Tài chính và Cục Thuế Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chậm thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thiếu nguồn kinh phí, dẫn đến nợ đọng; một số trường hợp thay đổi cán bộ (do luân chuyển công tác, nghỉ hưu), hồ sơ bàn giao, lưu trữ chưa đầy đủ... Đặc biệt, nhiều trường hợp, doanh nghiệp không thống nhất với kết luận của Kiểm toán Nhà nước, do đó ngành Thuế đôn đốc rất khó khăn, doanh nghiệp thì chây ỳ.
Đề xuất giải pháp đôn đốc các doanh nghiệp nộp khoản nợ đọng thuế, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn kiến nghị, khi làm việc với các doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước nếu có kiến nghị tăng thu thì sau đó chuyển cho Cục Thuế một bộ biên bản để đôn đốc, xử lý và giải thích với doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho rằng, thời gian tới, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho UBND thành phố có chế tài xử lý đối với các đơn vị chây ỳ, không thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai cho biết, trách nhiệm đôn đốc, thu hồi các khoản nợ đọng thuế, các khoản vay vốn, tạm ứng trước hết thuộc về các đơn vị trực tiếp thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, Sở Tài chính và Cục Thuế Hà Nội là những cơ quan tham mưu cho UBND thành phố trong lĩnh vực này cần tăng cường rà soát, đề xuất giải pháp phù hợp.
“Đối với các đơn vị chây ỳ không thực hiện, cần nêu tên công khai; định kỳ gửi danh sách cho Ban Kinh tế - Ngân sách để tổng hợp báo cáo Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo đôn đốc thường xuyên, chứ không chờ cuối năm” - bà Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.
Nhằm hạn chế việc nợ đọng ngân sách đối với các đơn vị được giao quản lý vốn dẫn đến cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý, nhiều thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cho rằng, các đơn vị này phải tăng cường rà soát, kiểm tra, thẩm định, kiểm soát nội bộ; đôn đốc thực hiện thu hồi, quyết toán các công trình, dự án. Đối với các chủ đầu tư đã quá hạn trong công tác quyết toán thì đề xuất với thành phố có biện pháp xử lý kiên quyết...