Có nên “nới room” tăng trưởng tín dụng?

Tài chính - Ngày đăng : 07:58, 29/08/2017

(HNM) - Tính đến hết tháng 7, với mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt hơn 9% (so với cuối năm 2016), dự báo hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ sớm cán đích kế hoạch năm 2017, bởi nhu cầu vay vốn sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV.Ảnh: Hải Anh


Nền kinh tế trên đà hồi phục

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mức tăng trưởng tín dụng hơn 9% trong 7 tháng qua được đánh giá đạt cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng tín dụng này cho thấy doanh nghiệp đã hồi phục, nên nhu cầu vay vốn lớn. Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 55,1%); tín dụng ngắn hạn chiếm 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%). Tín dụng VND chiếm 91,7% tổng tín dụng, còn lại là tín dụng ngoại tệ.

Theo các chuyên gia, mức tăng trưởng 9% là hợp lý trong điều kiện nền kinh tế đang trên đà hồi phục sau một thời gian dài "sóng gió". Hơn nữa, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong những tháng đầu năm khá dồi dào, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm thấp, cơ cấu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 80% tổng dư nợ, trong đó một số ngành kinh tế trọng điểm có mức tăng cao.

Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng bảo đảm cân đối nguồn vốn, kiểm soát tín dụng những lĩnh vực rủi ro cao, như bất động sản, dự án BOT… Thực tế, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đã tăng chậm lại so với năm 2016. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian qua là dấu hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ của nền kinh tế và doanh nghiệp tốt, dòng tín dụng đã "chảy" vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

"Room" tăng trưởng tín dụng nên tùy thuộc quy mô ngân hàng

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay. Dư nợ tín dụng cần được đẩy lên cao hơn hoặc bằng 20%, trên cơ sở bảo đảm chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô. Nếu tăng trưởng tín dụng được "nới" lên 20%, dự kiến dư nợ tín dụng tăng thêm khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu tín dụng chuyển dịch tốt, tập trung vào sản xuất, kinh doanh; những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt thông qua giám sát, cảnh báo từ xa và kiểm tra tại chỗ... Đây là những điều kiện quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tính đến kịch bản mở "room" tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Những ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)... đều có kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay khả quan, dư nợ tín dụng cũng gần đạt mức giới hạn cho phép, nên đã xin được "nới room" tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, Vietcombank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước được tăng trưởng tín dụng bằng mức tăng trưởng chung của ngành là 18%, vì chỉ tính hết quý II-2017, ngân hàng này đã đạt tăng trưởng tín dụng gần 14%, trong khi hạn mức của Vietcombank là 16%.

Không chỉ các ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng nhỏ cũng kiến nghị được "nới room" vì tăng trưởng tín dụng đã gần chạm hạn mức. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt tăng trưởng tín dụng 15,7%, gần chạm hạn mức 16%. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), dư nợ cho vay đạt 125.700 tỷ đồng, tăng gần 12%, chỉ cần 1-2 tháng nữa là chạm tới ngưỡng cho phép 16%...

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), "room" tăng trưởng tín dụng nên tùy thuộc vào cơ cấu, quy mô ngân hàng. Bởi, với những ngân hàng quy mô lớn, chỉ cần "nới" 1% tăng trưởng tín dụng có thể tương đương với 10% tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quy mô nhỏ. Do vậy, với những ngân hàng quy mô lớn, tăng trưởng tín dụng có thể áp dụng mức hơn 18%, còn ngân hàng nhỏ hơn có thể ở mức 16 - 18%, để tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 18 - 20%.

Lạm phát liên tục ở mức thấp dưới 2%, dự báo năm 2017 cũng chỉ khoảng 3%, trong khi lãi suất tái cấp vốn được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh 5%/năm, lãi suất trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành 5%/năm, lãi suất trần ngắn hạn tiền gửi khoảng 5%/năm. Đây là những yếu tố thuận lợi cho việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, nhằm tăng cung tiền tệ, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hà Linh