Bơm keo sinh học vào tĩnh mạch để điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:46, 31/08/2017

(HNMO) - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã ứng dụng thành công phương pháp keo sinh học trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới cho 2 bệnh nhân đầu tiên. Phương pháp này được thực hiện dưới sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Bệnh viện Quốc gia Singapore.

Hai nữ bệnh nhân được ứng dụng thủ thuật bơm keo vào tĩnh mạch.


Từ lâu, keo sinh học được sử dụng nhiều trong phương pháp như: dán da sau phẫu thuật, ứng dụng trong điều trị dị dạng mạch máu. Từ tháng 2-2016, FDA của Mỹ đã cho phép thực hiện kỹ thuật bơm keo sinh học trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông. Hiện nay kỹ thuật này được thực hiện tại các quốc gia: Mỹ, Canada, New Zealand, Chile, Australia, Singapore... Từ năm 2017 các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã qua Bệnh viện Quốc gia Singapore để học tập phương pháp này.

Đến sáng ngày 31-8, dưới sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Quốc gia Singapore hai nữ bệnh nhân đầu tiên được điều trị phương pháp tiên tiến này. BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực- Mạch máu - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết: Tĩnh mạch có chức năng đưa máu từ chân về tim theo chiều duy nhất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu có 62% dân số Việt Nam bị bệnh suy dãn tĩnh mạch khiến mạch máu trào ngược không chảy theo tự nhiên, khiến cho người bệnh đau nhức chân, mệt mỏi, người bệnh nổi gân xanh, phù chân, ngứa da có thể biến chứng tắc mạch, loét chân. Các bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để bơm keo vào tĩnh mạch để dán lỗ rò tĩnh mạch. Phương pháp này sẽ giúp máu lưu thông theo một chiều duy nhất.

Hai nữ bệnh nhân được phẫu thuật là bà Mai Thị H, 45 tuổi làm nghề buôn bán tại Lâm Đồng và bệnh nhân Huỳnh Thị H, 50 tuổi làm nghề điều dưỡng tại TP Hồ Chí Minh. Họ đều có chung đặc điểm phải đứng làm việc tầm 6-8 tiếng/ ngày. Điều đó khiến họ bị suy giãn tĩnh mạch, chân đau nhức, đã điều trị nhiều phương pháp nhưng không hiệu quả.

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý phổ biến có 60% dân số Việt Nam mắc phải trong đó ,76% người bệnh là phụ nữ. Mỗi năm Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 15.000 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý suy giãn tĩnh mạch. Qua thống kê, người có nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch do làm công việc phải đứng quá lâu hoặc ngôi quá lâu như: Bác sĩ, điều dưỡng, công nhân dệt may, người buôn bán, nhân viên văn phòng.

Tuệ Diễm