Bắt đầu từ thay đổi thói quen
Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 31/08/2017
Tràn lan "chợ cóc", chợ tạm
Tại nhiều khu tập thể cũ ở các phường: Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng), Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), Ngọc Lâm (quận Long Biên), Thành Công (quận Ba Đình), Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân)... không khó để bắt gặp "chợ cóc", chợ tạm hoạt động tấp nập trong các ngõ nhỏ, đường vào khu tập thể. Tình trạng này cũng xuất hiện tại các khu chung cư mới trên địa bàn thành phố. Nhiều dự án chung cư cao tầng như khu đô thị Linh Đàm, khu chung cư Dương Nội (Hà Đông)... sau một thời gian cư dân chuyển về sinh sống, đã hình thành "chợ cóc" bám dọc theo các tuyến đường hoặc sát các nhà chung cư.
Chợ tạm, “chợ cóc” không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị mà còn cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Khánh Huy |
Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Công Thương, chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng, toàn thành phố đã giải tỏa được 94/213 điểm chợ tạm, "chợ cóc". Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, một số quận, huyện như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Thanh Oai, Ứng Hòa... đã sạch "chợ cóc".
Trong số 111 điểm chợ còn lại sẽ tiếp tục xử lý trong thời gian tới, có 7 chợ tạm và 13 "chợ cóc" được UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị cho tạm tồn tại để phục vụ nhu cầu của người dân địa phương trong khi chờ hoàn thành xây dựng, cải tạo chợ theo quy hoạch.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, việc giải tỏa chợ tạm, "chợ cóc" lâu nay chủ yếu giao cho UBND các phường, xã, trong khi lực lượng mỏng, thiếu kinh phí, chế tài xử phạt nhẹ, chính quyền địa phương đôi lúc chưa quyết liệt. Một số phường trong các quận nội thành chưa có chợ truyền thống, trong khi thói quen của người tiêu dùng vẫn tiện đâu mua đấy, ít chú trọng kiểm tra chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, cũng như điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...
Vừa xử lý vi phạm vừa rà soát quy hoạch
Thực tế cho thấy, hàng loạt “chợ cóc”, chợ tạm trên địa bàn thành phố đã nhiều lần bị dẹp bỏ sau các cuộc ra quân quyết liệt, nhưng chỉ được vài ngày, cảnh mua, bán lại diễn ra tấp nập, nhất là tại những nơi dân cư tập trung đông, nhu cầu mua, bán cao.
Để giải tỏa triệt để tình trạng "chợ cóc", chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen mua, bán, quy hoạch các hộ kinh doanh vào chợ dân sinh đã xây dựng.
Quan trọng hơn, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra xử lý vi phạm, thành phố cũng yêu cầu các cấp, ngành rà soát quy hoạch; cải tạo chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ; tổ chức, sắp xếp lại chợ tạm, bố trí chợ dân sinh để phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân.
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm “chợ cóc” trên địa bàn, báo cáo định kỳ hằng tháng về Sở Công Thương để tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cũng đề nghị, UBND các địa phương khẩn trương rà soát quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm phù hợp để đầu tư xây dựng chợ mới, bảo đảm khi di dời chợ tạm và xóa bỏ "chợ cóc", sẽ có chợ dân sinh hoạt động đúng quy định. Tuy nhiên, để có thể giải tỏa triệt để “chợ cóc”, chợ tạm rất cần sự vào cuộc của mỗi người bằng việc thay đổi thói quen mua, bán, chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh - sạch - đẹp, phát triển thương mại văn minh, hiện đại.