Trên quê hương cách mạng Đông Mỹ

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 31/08/2017

(HNM) - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ Phạm Hải Hậu chia sẻ: Truyền thống cách mạng chính là mạch nguồn để cán bộ và nhân dân chung sức làm nên diện mạo Đông Mỹ hôm nay…


Trước Cách mạng Tháng Tám, nơi đây là cái nôi của phong trào cách mạng ngoại thành Hà Nội. Nhiều thanh niên tiên tiến của xã đã sớm giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin, để rồi cuối năm 1938 Chi bộ thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ được thành lập gồm 3 đảng viên ban đầu. Đây là chi bộ đảng đầu tiên ở phía Nam Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, xây dựng cơ sở hoạt động của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ.

Trong thời kỳ này, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ đã về chỉ đạo phong trào cách mạng như: Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Phan Trọng Tuệ… Trung ương đã đặt ở Đông Mỹ cơ quan giao thông, cơ quan ấn loát. Xứ ủy Bắc kỳ cũng đặt cơ sở chỉ đạo, liên lạc tại đây. Nhiều quần chúng cách mạng của Đông Mỹ đã trở thành cán bộ giao liên, làm nhiệm vụ đưa, đón cán bộ trung ương về hoạt động, chuyển công văn, tài liệu… Phong trào đấu tranh cách mạng của Đông Mỹ đã đóng góp đáng kể cho bước phát triển mới của cách mạng thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936-1939 ở vùng Hà Nội, Hà Đông.

Một trong những địa chỉ nuôi giấu cách mạng nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ của xã là Nhà thờ họ Nguyễn Duy. Những năm 1939-1941, căn hầm bí mật đặt tại Nhà thờ họ Nguyễn Duy là địa điểm hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ, nơi nuôi giấu các cán bộ Xứ ủy về chỉ đạo phong trào cách mạng, nơi cất giấu vũ khí, tài liệu, họp bàn kế hoạch xây dựng phong trào kháng chiến… Trong số cán bộ về địa phương hoạt động có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, người con của dòng họ, của quê hương Đông Mỹ. Nhà thờ họ Nguyễn Duy nay đã được thành phố công nhận là Di tích lịch sử cách mạng, cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo.

Ngoài dòng họ Nguyễn Duy, nhiều gia đình trong xã Đông Mỹ đã đóng góp của cải, giúp bộ đội mua lương thực, thuốc men, súng đạn, sẵn sàng hy sinh xương máu cho hòa bình hôm nay. Với những đóng góp to lớn, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Mỹ vinh dự hai lần được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động.

Bức tranh nông thôn mới Đông Mỹ đang được thế hệ hôm nay vẽ thêm nhiều gam màu tươi sáng. Vùng đồng trũng với đầm, phá, ao, hồ trước kia nay đã trở thành lợi thế với những mô hình nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao. Một trong những người thành công với cách làm này là gia đình anh Nguyễn Duy Dũng. Khu trang trại rộng 5ha vừa nuôi trồng thủy sản, vừa kết hợp trồng cây ăn quả, rau sạch duy trì 16 năm qua đã góp phần quan trọng để ổn định kinh tế gia đình và nhân lên phong trào ở địa phương.

Về Đông Mỹ, ta được đi trên những con đường rộng thênh thang rợp bóng cây xanh, được ngắm những công trình phúc lợi khang trang. Đông Mỹ tự hào là một trong những xã đầu tiên của huyện Thanh Trì hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Hiện tại, xã đang tập trung phát triển vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại tổng hợp kết hợp với du lịch sinh thái. Ngoài trồng lúa và trồng rau sạch, toàn xã có 114ha nuôi trồng thủy sản, ước đạt 8 tấn/ha.

Từ chi bộ đảng đầu tiên với 3 đảng viên, Đảng bộ xã Đông Mỹ hiện có 382 đảng viên… Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Mỹ luôn phấn đấu vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Hiền Phương