Đa dạng hóa công tác tuyên truyền
Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 31/08/2017
Là Thủ đô nên nhiều vấn đề của Hà Nội được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, không ít trường hợp, người dân lại thiếu thông tin, hoặc nhận thông tin phiến diện. Chẳng hạn, gần đây trên mạng xã hội có thông tin "san lấp hồ Tây", gây hoang mang, lo lắng trong dư luận. Trước thông tin này, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng khẳng định không có việc san lấp, chỉ có hoạt động nạo vét để hồ Tây sạch, đẹp hơn. Chủ đầu tư dự án cũng lý giải với cơ quan truyền thông về cách thức triển khai công việc, trong đó có giai đoạn có thể gây hiểu lầm...
Việc giải thích sẽ không cần thiết nếu trước đó, chính quyền, chủ dự án và đơn vị thi công có thông tin rõ ràng, đầy đủ về hoạt động nạo vét, bao gồm cả quy trình kỹ thuật và tiến độ.
Một ví dụ khác, khi dịch sốt xuất huyết lan rộng trên địa bàn thành phố, qua kiểm tra mới thấy, không phải người dân nào cũng hiểu biết về dịch bệnh và cách phòng, chống. Chính vì vậy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, tuyên truyền phải là biện pháp đầu tiên trong chống dịch.
Tương tự, những vấn đề lớn của đô thị còn gặp khó khăn, có lúc gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản mà nguyên nhân là nhận thức, hiểu biết, ý thức của nhiều người còn thấp, như trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, an toàn giao thông...
Rõ ràng, trong rất nhiều lĩnh vực, công tác tuyên truyền vẫn bị coi nhẹ hoặc hình thức, không có chiều sâu. Chính quyền cơ sở nhiều nơi coi tuyên truyền chuyên đề là việc của các cơ quan chức năng cấp trên nên chưa vào cuộc quyết liệt. Cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở phần đông còn thiếu kỹ năng, trong một số lĩnh vực thiếu hiểu biết chuyên sâu nên hiệu quả thấp, khó thuyết phục đối với những vấn đề phức tạp...
Từ thực tiễn trên, Hà Nội đã xây dựng lộ trình đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền. Đầu tháng 8, cùng với việc ban hành đề án "Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP Hà Nội" theo hướng giảm số lượng, nhiều hình thức truyền thông khác đã được đề cập. Đáng chú ý nhất là việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để nhắn tin các nội dung, chủ trương quan trọng của thành phố đến các thuê bao. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, hình thức này đã được thực hiện để tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức các hình thức thông tin khác như qua bảng điện tử ngoài trời, tại các khu vực công cộng, nhà cao tầng. Thành phố cũng thí điểm sử dụng các thiết bị thông minh kết nối 3G, 4G, wifi để dần thay thế đài truyền thanh. Trong quý IV-2017, hình thức này sẽ được thí điểm tại 250 hộ gia đình ở 3 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy), tiến tới triển khai diện rộng vào năm 2018...
Đi đôi với hiện đại hóa công nghệ truyền thông, việc bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở sẽ được chú trọng. Từ nay đến hết năm 2018, thành phố sẽ rà soát, tập huấn kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận hành phương tiện cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền cơ sở, bảo đảm đủ trình độ, số lượng.
Cùng với hiện đại hóa, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, nhận thức về công tác tuyên truyền của đội ngũ cán bộ các cấp cũng cần được nâng cao, nhất là trong hệ thống chính quyền cơ sở. Khi chính quyền cơ sở, các ngành chức năng coi tuyên truyền là công việc có ý nghĩa quyết định chất lượng công tác thì nhiệm vụ này mới thực sự đem lại hiệu quả.