Lũ lớn nhất bốn thập kỷ tàn phá Bangladesh
Thế giới - Ngày đăng : 23:12, 01/09/2017
Dọc vùng nông thôn ở miền bắc Bangladesh, các gia đình đang chuẩn bị đón dịp lễ hiến sinh Eid al-Adkha sau một năm chăn dê, nuôi bò. Đây là dịp lễ linh thiêng nhất theo lịch Hồi giáo, diễn ra trong 3 ngày từ 31-8 đến 2-9 hằng năm.
Nhưng mùa mưa đến đã mang theo lũ lớn bất thường cuốn trôi tất cả, CNN ngày 1-9 đưa tin.
Mùa mưa ở Nam Á diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9. Theo Hiệp hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), ít nhất 1.200 người đã thiệt mạng và trên 41 triệu người bị ảnh hưởng trong mùa mưa lũ nghiêm trọng năm nay tại Bangladesh, Nepal và Ấn Độ. Riêng tại Bangladesh, lũ lụt đã làm 142 người chết và ảnh hưởng đến cuộc sống của 8,5 triệu người.
Làng Beraberi nằm cách thủ đô Dhaka khoảng 134 km về phía tây bắc là một trong những khu vực bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng. Toàn bộ nhà cửa, mùa màng, thực phẩm và gia súc ở đây đã bị lũ cuốn trôi.
Với người dân, đây là trận mưa lũ tồi tệ nhất. "Người dân đã quen với lũ theo mùa nhưng không phải ở mức độ này. Nước bao phủ một khu vực rộng lớn", Corinne Ambler, thành viên IFRC đến cứu trợ, cho biết.
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet |
Lũ đã phá hủy hoàn toàn hoặc một phần 700.000 ngôi nhà ở Bangladesh. Một phần ba diện tích nước này với phần lớn đất canh tác ngập trong nước lũ. Theo IFRC, đây là trận lũ nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua ở Bangladesh.
Lũ lớn làm dấy lên lo ngại thiếu lương thực bởi nó xảy ra vào thời điểm người dân bước vào vụ mùa mới. Gần nửa dân số Bangladesh làm nông nghiệp và lúa là sản phẩm quan trọng số một ở đây.
Chính phủ khuyến khích người dân quay về nhà ở những nơi nước bắt đầu rút với hy vọng vớt vát mùa màng. "Nông dân vẫn còn khoảng 20 ngày để trồng lại lúa. Chính phủ sẽ cấp hạt giống, cây con và phân bón", ông Reaz Ahmed tại Bộ Quản lý Thảm họa Bangladesh cho hay.
Phần lớn diện tích Bangladesh là các khu vực thấp trũng nên dễ bị thiệt hại khi lũ xảy ra vào mùa mưa. Năm 2007, lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên nửa diện tích Bangladesh, làm trên 1.000 người chết, phần lớn là trẻ em.
Tính đến nay, tại Bangladesh đã có hơn 51.000 người phải đến trung tâm sơ tán của Chính phủ. Con số này ước tính tiếp tục tăng lên.