Trước ngày 5-9, 100% các trường học được phun hoá chất diệt muỗi
Đời sống - Ngày đăng : 16:29, 01/09/2017
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh báo cáo về tình hình dịch SXH. |
Theo báo cáo của Sở Y tế, ghi nhận theo tuần cho thấy có sự giảm số bệnh nhân mắc. Cụ thể, tuần từ ngày 17-8 đến 23-8 ghi nhận 3.083 trường hợp; từ ngày 24-8 đến 30-8 ghi nhận 2.822 trường hợp (giảm 261 trường hợp). Huyện Thanh Trì giảm mạnh nhất với 89 bệnh nhân; huyện Thanh Oai giảm 56 bệnh nhân... Tuy nhiên, tại huyện Thường Tín ghi nhận tăng 20 bệnh nhân, huyện Phúc Thọ tăng 15 bệnh nhân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, các đơn vị đã kiện toàn lại các Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng dịch SXH. Hiện nay, tất cả 584 xã, phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập Đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch và Tổ giám sát.
Từ ngày 12-8 đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã đã ra quân triển khai tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH.
Trung tâm Y tế dự phòng TP phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai các chiến dịch phun diện rộng tại các quận, huyện, thị xã trọng điểm, trong đó có sử dụng cả máy công suất lớn đặt trên ô tô, máy phun đeo vai và máy phun mù nóng; đồng thời phun xử lý ổ dịch mới phát sinh.
"Số trường học được phun là 2.584 trường/2.699 trường, chiếm 95,9%. Từ nay đến trước ngày 5-9, 100% các trường đều phải được phun để chuẩn bị cho năm học mới" - ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu.
Nhận định về diễn biến của dịch trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, bọ gậy vẫn chưa được xử lý triệt để, muỗi mới tiếp tục xuất hiện nên nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp với số ca mắc gia tăng.
Theo lãnh đạo quận Hoàng Mai, 100% các trường học trên địa bàn quận đã được phun hoá chất lần 3. Toàn bộ các giáo viên, học sinh được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cách phòng trách SXH. 100% các khu đất trống, công trường, nhà máy, xí nghiệp và đơn vị cũng được phun hoá chất. Tuy nhiên, do thiếu máy phun nên thời gian phun bị kéo dài.
Đại diện Trung tâm Y tế quận Đống Đa báo cáo "sáng kiến" về việc huy động lực lượng sinh viên cùng tham gia vào các đội xung kích. Cụ thể, trên địa bàn 3 phường Trung Tự, Láng Hạ, Láng Thượng đã huy động được mỗi phường 100 SV của các trường ĐH đóng trên địa bàn tham gia. Những sinh viên này sau khi được hướng dẫn kỹ năng về phòng tránh dịch bệnh đã tham gia cùng các tổ xung kích, đi xuống từng gia đình, tổ dân phố để tuyên truyền, phối hợp cùng người dân diệt bọ gậy. Mô hình này đang phát huy hiệu quả. Hiện nay quận cũng đã cấp kinh phí cho trung tâm y tế nên lực lượng sinh viên này đều nhận được hỗ trợ.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, dù các quận, huyện đã vào cuộc tích cực nhưng qua kiểm tra, việc thực hiện của các xã, phường, thị trấn lại chưa thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của TP, đặc biệt là các tổ xung kích diệt bọ gậy. Điều này dẫn đến bọ gậy còn tồn tại nhiều trong các hộ dân cư. Do đó, Giám đốc Sở Y tế đề nghị các quận, huyện tổ chức giao ban hằng ngày với các đội xung kích để nắm vững tình hình dịch trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý nhấn mạnh, trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, nếu TP không tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
"Diệt bọ gậy vẫn là giải pháp căn cơ nhất. Các quận, huyện yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tự thành lập tổ xung kích, tự kiểm tra rà soát vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong cơ quan; đồng thời tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức về triển khai tại gia đình. Mục tiêu trong thời gian một tuần cố gắng để tất cả các cơ quan đơn vị không còn bọ gậy" - Phó Chủ tịch nêu.
Đối với hộ gia đình, các phường phải xây dựng phương án và kế hoạch chi tiết, phân công cho mỗi đội xung kích phụ trách không quá 50 hộ. Trong báo cáo của Sở Y tế đánh giá hiệu quả của các đội xung kích chưa cao do chưa có phương pháp, nghiệp vụ chuyên môn và sử dụng người cao tuổi, sức khoẻ yếu. Do đó, học tập theo mô hình của quận Đống Đa, Phó Chủ tịch chỉ đạo Sở Y tế làm việc với Đảng uỷ khối các trường ĐH, huy động thêm lực lượng sinh viên, quận đội tham gia phòng dịch bệnh.
Việc phun thuốc diệt muỗi sẽ được ưu tiên hàng đầu cho các khu còn ổ dịch. Với xã, phường có quy mô dịch lớn sẽ làm cuốn chiếu như quận Hoàng Mai. Tại các trường học dứt khoát phải kết thúc việc phun thuốc trước 5-9. Tại các trường, thời gian phun đã kết thúc từ lâu phải được phun lại và TP sẽ có kiểm tra đột xuất.
Sau trường học, các khu vực được ưu tiên phun thuốc là chợ, công trường xây dựng có công nhân làm việc và ăn ở.
Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý yêu cầu trong quá trình phun phải xây dựng phương án cụ thể về phạm vi, thời gian phun, thứ tự phun và chuẩn bị lực lượng và có kiểm tra, kiểm soát.
Trong khâu tiếp nhận và cứu chữa bệnh nhân, Sở Y tế được yêu cầu sẽ chỉ đạo các bệnh viện có hướng dẫn cách phòng bệnh cho bệnh nhân ngoại trú để họ tự bảo vệ mình, tránh lây lan ra cộng đồng.
Để tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các quận, huyện, xã, phường, Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, phải tiếp tục gắn trách nhiệm lãnh đạo các đơn vị với phòng, chống dịch hướng tới đạt các mục tiêu số ca mắc mới giảm, số ổ dịch được khoanh vùng và nhanh chóng dập được dịch.