Kỷ niệm về Bác Hồ tại Moritzburg

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:36, 02/09/2017

(HNM) - Nói đến Moritzburg, người Đức hay khách du lịch tới đây thường nghĩ đến những tòa lâu đài cổ kính và thơ mộng. Nhưng với những người Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại Đức và nhiều công dân bản địa, Moritzburg còn nổi tiếng là nơi lưu giữ kỷ niệm về tình hữu nghị Việt - Đức và về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của nhân loại.


Nhớ về một ngày đầy cảm xúc

Vào thời điểm cuối năm 1954-1955, khi vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp với thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, mặc dù đất nước bị chia cắt, khó khăn chất chồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới việc gửi những học sinh ưu tú ra nước ngoài học tập, tiếp thu tri thức khoa học để sau này về phục vụ Tổ quốc. Cuối năm 1955, hàng trăm học sinh đã lên đường sang các nước bạn bè anh em, trong đó có 150 người học tập tại Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức. Một phần trong số này được gửi về Trường Käthe-Kollwitz-Heim thuộc thị trấn Moritzburg, nằm cách Dresden, thủ phủ của bang Saxony (Đức), khoảng 15km về phía Tây Bắc. Gần 2 năm sau đó, ngày 29-7-1957, để động viên các học sinh Việt Nam, trong chuyến thăm chính thức CHDC Đức, mặc dù lịch trình công tác dày đặc, song Bác vẫn dành thời gian đến thăm Trường Käthe-Kollwitz-Heim.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Việt Nam tại Trường Käthe-Kollwitz-Heim năm 1957.
(Ảnh do nguyên Tham tán Công sứ Việt Nam tại Đức Trần Ngọc Quyên cung cấp).



Theo ông Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ Việt Nam tại Đức, đó thực sự là một ngày hội tưng bừng, đầy cảm xúc đối với các lưu học sinh Việt Nam lúc bấy giờ, những người mà nay đều đã bước qua tuổi 70. Sau chuyến thăm này, Trường Käthe-Kollwitz-Heim đã xây một khuôn viên xinh xắn tại chính khu vườn nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với các học sinh thân yêu của mình. Trung tâm của Khu lưu niệm có tấm biển đồng khắc dòng chữ: “Vào tháng 7 năm 1957, nơi đây, những em thiếu nhi Việt Nam đang sống và học tập tại Trường Käthe-Kollwitz-Heim đã chào đón vị Chủ tịch Hồ Chí Minh của mình”.

Ông Trần Ngọc Quyên cũng là một nhà sưu tầm có tiếng về các tư liệu liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đức. Ông kể: Ngay từ năm 1969 khi Người qua đời, ông đã bắt đầu tìm kiếm, lưu giữ các bức ảnh và bài báo viết về Bác. Khi đó, lưu học sinh tại Trường Đại học Kỹ thuật Dresden đã lập ban thờ Bác để sinh viên và nhân dân địa phương đến viếng. Đảng ủy và Ban Giám hiệu trường cũng tổ chức lễ tưởng niệm Bác. Ảnh chụp hai sự kiện này chính là những tư liệu đầu tiên về Bác mà ông lưu giữ. Những tài liệu về chuyến thăm của Bác cũng là văn bản quý nằm trong danh sách sưu tầm của ông. Ông Quyên vui vẻ cho biết, vợ ông may mắn là một trong những học sinh Trường Käthe-Kollwitz-Heim được gặp Bác Hồ ngày hôm đó. Nhiều bức ảnh về cuộc gặp gỡ, bút tích chúc mừng của Người ghi vào sổ vàng của trường đều được ông giữ gìn cẩn thận.

Có một chi tiết rất cảm động mà sau này ông Konrad Buettner, người được phía Đức phân công bảo vệ Bác trong chuyến thăm kể lại. Đó là trong đoàn tháp tùng Bác tới Trường Käthe-Kollwitz-Heim có ông Otto Buchwitz, 78 tuổi, người từng là lãnh tụ của giai cấp công nhân Đức, đã dũng cảm chiến đấu trong cuộc chiến chống phát xít và bị hành hạ trong nhiều nhà tù cho đến ngày giải phóng. Thời điểm đó, ông Buchwitz cũng là đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất của CHDC Đức. Để đón Bác, từ nhiều hôm trước thầy, trò Trường Käthe-Kollwitz-Heim đã dọn dẹp, chuẩn bị văn nghệ và cùng nhau làm biểu ngữ với đủ màu sắc. Nhà trường cũng cho dựng lễ đài và đặt một chiếc ghế danh dự dành cho Bác nhưng Người đã trân trọng mời ông Buchwitz ngồi vào đó. Hành động này của Bác đã để lại ấn tượng sâu sắc về một vị lãnh tụ giản dị, khiêm nhường, một nhân cách lớn trong lòng bạn bè Đức.

Biểu tượng tô đậm thêm tình hữu nghị Việt - Đức

Dù 60 năm đã trôi qua, thế hệ học sinh Trường Käthe-Kollwitz-Heim ngày nào giờ đã thành ông, thành bà. Thế nhưng, kỷ niệm về Moritzburg và lần được gặp Bác Hồ vẫn luôn nằm trong ký ức. Họ đã nhiều lần trở lại ngôi trường xưa thăm thầy, cô giáo cũ, dâng hoa tại Khu lưu niệm Bác Hồ và cùng ôn lại những ngày thơ ấu. Ông Trần Ngọc Quyên cho biết, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1990, Trường Käthe-Kollwitz-Heim đã trở thành cơ sở từ thiện xã hội Diakonenhaus. Khu lưu niệm được gìn giữ đến ngày nay một phần là nhờ công chăm nom của bà Ruth Rehmet, cô giáo duy nhất đã sống tại trường nhiều năm sau khi nước Đức thống nhất. Có cuộc sống độc thân nên bà đã lấy việc giữ gìn, bảo vệ Khu lưu niệm này làm niềm vui thường nhật. Đến năm 2013, do tuổi quá cao, bà Rehmet phải chuyển vào viện dưỡng lão ở ngoại ô Berlin. Trước khi rời nơi này, bà đã cẩn thận tháo tấm biển đồng ở Khu lưu niệm để gửi cơ sở Diakonenhaus giữ hộ và trao lại cho người sẽ chăm nom nơi ghi dấu kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm gần đây, Khu lưu niệm đã trở thành một địa điểm viếng thăm của nhiều người dân Việt Nam tại Đức trong những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc. Ông Nguyễn Huy Thắng, Tổng Biên tập Báo Việt Đức cho biết, sau khi nước Đức thống nhất, Khu lưu niệm Bác Hồ tại Moritzburg là một trong những chứng tích hiếm hoi còn được giữ lại tại nước này. Lần nào đến thăm nơi đây, ông cũng cảm thấy xúc động. “Chúng ta hãy mường tượng vào thời điểm đó, Việt Nam vừa giành được độc lập từ tay thực dân Pháp, đất nước còn bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc, ngân sách quốc gia gần như trống rỗng vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi hàng trăm con em Việt Nam, bé nhất là 9 tuổi, lớn nhất là 15 tuổi sang CHDC Đức để đào tạo. Chỉ tầm nhìn của một nhà lãnh đạo kiệt xuất mới có thể đưa ra những quyết định như vậy”, ông Nguyễn Huy Thắng xúc động nói.

Nhằm bảo tồn một di tích lịch sử quý giá về Bác Hồ, năm 2015, ông Võ Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long ở Đức, đã đứng ra tôn tạo Khu lưu niệm. Đối với cộng đồng người Việt tại Đức, đây không chỉ là một việc làm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tình yêu, niềm tôn kính đối với vị lãnh tụ của dân tộc, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mà còn nhằm tô đậm thêm biểu tượng bền vững cho tình hữu nghị giữa người dân hai nước.

Phương Quỳnh