Xung lực mới từ cội nguồn tinh thần ngày độc lập

Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 02/09/2017

(HNM) - Cách đây đúng 72 năm, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Người tuyên thệ và nhân dân một lòng ủng hộ. Người nói: “Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.

Thủ đô Hà Nội trên đà phát triển bền vững, hiện đại xứng đáng là trái tim của cả nước. Ảnh: Nhật Nam



Hiểu rõ thực tiễn Việt Nam vốn là một nước thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, Hồ Chí Minh sớm có một tầm nhìn xa, trông rộng về những thuận lợi và khó khăn sau khi giành được chính quyền. Thuận lợi lớn nhất là dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước với tài sản độc lập tự do của một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một thành quả xưa nay chưa từng có trong lịch sử nước ta. Nhưng Người cũng thấu triệt tinh thần của Lênin “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Trước chồng chất khó khăn và sự thách đố của lịch sử, Đảng và Chính phủ Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó, đã giữ trọn niềm tin của nhân dân.

72 năm trôi qua, chúng ta đang đứng trước sự đan xen của thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Những tháng năm đầu sau ngày lập nước, Hồ Chí Minh đã kêu gọi “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Để làm được việc đó, chúng ta phải tạo một xung lực mới, sinh khí mới có cội nguồn từ tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Xung lực đó phải là sự kết tinh giá trị tự do và độc lập bởi máu xương của biết bao đồng chí, đồng bào. Nhận thức độc lập tự do là của quý báu, quý giá không phải để say sưa, chủ quan, tự mãn với thắng lợi mà phải biến thành hành động. Giữ vững quyền tự do và độc lập không phải bằng khẩu hiệu và những lời nói hay, mà phải bằng việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Chúng ta phải khắc sâu tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh từ lời hứa và tuyên thệ trước quốc dân đồng bào về quyết tâm giữ vững quyền tự do và độc lập đi đến hành động cụ thể thành lập một Chính phủ toàn dân đoàn kết, tập hợp nhân tài không đảng phái.

Bằng hành động thực tế và tấm gương “không tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”, Hồ Chí Minh đã xây dựng một “Chính phủ liêm khiết, biết làm việc, cố gắng làm việc, nỗ lực làm việc, có gan góc, chú trọng thực tế, một lòng vì nước vì dân”. Vì thế, người đứng đầu Đảng và Chính phủ cần nêu gương và tạo ra một đội ngũ cán bộ, đảng viên không tham quyền cố vị, tận tâm tận lực, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, trước hết; không chỉ tuyên ngôn mà nói đi đôi với làm, bằng hành vi, lập trường và thái độ chính trị của giai cấp công nhân ngay khi nước Việt Nam mới vừa ra đời, Chính phủ mới được thành lập, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền là giá trị lớn, tạo ra xung lực để Chính phủ Hồ Chí Minh hoàn thành sứ mệnh cao cả nhân dân giao phó.

2. Hiện nay, so với thời lập nước, thế giới và đất nước đổi thay nhiều nhưng độc lập và tự do vẫn vẹn nguyên giá trị. Bổn phận và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với nước, với dân, đối với "của quý báu, quý giá" độc lập tự do không hề thay đổi. Chúng ta vẫn phải quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy. Xoay quanh trục “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác” như Hồ Chí Minh dạy, xung lực mới để xây dựng và phát triển đất nước là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tạo ra một sự chuyển biến rõ rệt.

Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cao cấp, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Đảng ta nhấn mạnh sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác gương mẫu thực hiện Nghị quyết, nói đi đôi với làm. Cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải bảo đảm tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá. Họ phải là những người tuyệt đối không được tham danh vọng, tham danh vị, tham quyền lực, không để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Chức quyền của họ phải được kiểm tra, giám sát, kiểm soát theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, phân định rõ quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và “cách tốt nhất là kiểm soát dưới lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo” như lời dạy của Bác.

Tinh thần lập nước 2-9 phải được nhân lên thành xung lực mới, kết hợp “xây” và “chống”; “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Sự tha hóa chỉ có thể bị đánh bại bởi cơ chế, tính khoa học của bộ máy, cơ bản nhất tạo nền dân chủ và sự minh bạch. Nhận thức kiểm soát quyền lực là khách quan, phải tập trung hoàn thiện pháp luật theo hướng độc lập tương đối giữa các nhánh quyền lực, nhất là tư pháp. Hoàn thiện, phát huy vai trò phản biện và giám sát xã hội. Xác lập cơ chế “dân chúng có quyền đề nghị sửa chữa nghị quyết gì mà họ cho là không hợp. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta” như Bác đã dạy. Phải bắt đầu từ sự trong sáng, minh bạch của con người, nhất là người đại diện, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu. Cơ chế, bộ máy tốt mà con người cố tình xuyên tạc thì không cơ chế, bộ máy nào phát huy nổi hiệu lực.

Sức mạnh của cơ chế và sự tu dưỡng đạo đức của con người hỗ trợ, bổ sung cho nhau sẽ tạo xung lực phát triển đất nước bền vững.

PGS.TS Bùi Đình Phong