Lợi nhuận lòng tin!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:45, 05/09/2017
Đấy là lý do vì sao vụ việc Công ty cổ phần VN Pharma nhập lậu lô thuốc điều trị ung thư không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, có tên H-Capita, dù đã được kết luận là chưa đưa vào đến hệ thống bệnh viện, các “nhân vật chính” đã được tòa tuyên án, việc điều tra mở rộng có thể còn tiếp tục…, mà dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, bức xúc!
Với việc làm giả hồ sơ, giấy tờ cho lô thuốc “không rõ nguồn gốc, không dùng được cho người”, VN Pharma đã đánh vào thành trì lòng tin vốn luôn rất mong manh, được vun đắp một cách nhọc nhằn từ nỗ lực của người bệnh, gia đình người bệnh, đội ngũ thầy thuốc… “thuốc giả” là từ luôn quá nhạy cảm, cú sốc lớn cho người bệnh, gia đình người bệnh và cả xã hội.
Cũng vì vậy, mọi tranh luận, biện minh như chuyện thuốc “thật”, chỉ hồ sơ “giả” và nhiều vấn đề liên quan khác…, đều không thể đổi hướng mối quan tâm lớn nhất của dư luận là: Vì sao người ta sẵn sàng cố tình làm giả giấy tờ để có thể tiêu thụ loại thuốc không rõ nguồn gốc cho bệnh nhân ung thư? Liệu sức hấp dẫn từ siêu lợi nhuận đã và sẽ còn khiến người ta buôn lậu, làm giả… những loại thuốc nào nữa? Vì sao việc cố tình làm giả vì lợi nhuận này lọt qua cửa cơ quan quản lý? Tới đây, phải làm thế nào để lấp được những kẽ hở này?
Ngày 24-8, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế giải trình rõ về vụ việc. Nhiều cơ quan truyền thông bình luận, bày tỏ niềm tin vào việc không có ngoại lệ trong xử lý vụ việc. Tất cả cho thấy, lợi dụng lòng tin, hy vọng của bệnh nhân để tìm kiếm lợi nhuận là việc không thể chấp nhận. Lấy lại lòng tin về sự nghiêm cẩn của quản lý chất lượng thuốc cũng là việc không thể chần chừ.
Trước hết, trong vụ VN Pharma, những kiến nghị của TAND TP Hồ Chí Minh với cơ quan chức năng về “điều tra làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan, điều tra làm rõ việc chi “hoa hồng” cho bác sĩ, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, nếu đủ căn cứ xử lý thì truy cứu trách nhiệm hình sự”, cần phải được thực hiện đến nơi đến chốn. Đơn cử, tình trạng chi “hoa hồng” không lạ, nhưng phải được chỉ mặt, điểm tên và xử lý đúng người, đúng tội. Đây không chỉ là việc nhằm xóa bỏ tình trạng người bệnh phải “cõng” thêm những chi phí bất công, mà còn là để những y sĩ, bác sĩ chân chính giữ được niềm tin, sự tự trọng với nghề y vốn vô cùng cao quý mà cũng hết sức nhọc nhằn.
Đặc biệt, dược là một ngành khoa học, công tác quản lý không chỉ dựa trên trách nhiệm mà còn phải dựa trên trình độ. Xử lý nghiêm người cố tình vi phạm, nâng cao trình độ cho người trực tiếp thẩm định, quản lý là việc sống còn đối với “bộ lọc” này của ngành Y tế.
Những quy định liên quan đến thẩm định chất lượng thuốc…; những vấn đề thuộc chế tài xử lý nạn “hoa hồng” trong hệ thống pháp luật nếu không phù hợp cũng cần sớm được bổ sung, sửa đổi. Việc sử dụng thuốc đúng cách, tuân thủ nghiêm chỉ dẫn… rất cần được tuyên truyền mạnh, giáo dục sâu rộng để cả xã hội hình thành thái độ coi trọng chuẩn mực về thuốc trong cả sản xuất, buôn bán lẫn sử dụng.
Lợi nhuận lớn nhất trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh là lòng tin. Lợi nhuận lòng tin trong ngành Dược không chỉ đem lại lợi ích chân chính cho doanh nghiệp mà thực sự còn làm tăng thêm sức sống cho con người, cho xã hội, đặc biệt là người có bệnh.