Nên giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Các nhà văn hóa đồng loạt ủng hộ tổ chức lễ hội
Văn hóa - Ngày đăng : 15:29, 07/09/2017
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng được các nhà văn hóa ủng hộ tiếp tục tổ chức. (Ảnh minh họa). |
Không thể tùy tiện quyết định
Như báo chí đã đưa tin, ngày 1-7, vòng đấu loại của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) diễn ra đã gặp sự cố hi hữu nhưng vô cùng đáng tiếc, con trâu số 18 đã bất ngờ quay đầu húc chết chủ. Bộ VH-TT&DL và UBND TP Hải Phòng có văn bản yêu cầu BTC dừng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017, làm rõ trách nhiệm cũng như nguyên nhân dẫn đến sự việc đáng tiếc trên.
Ngày 11-7, Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ VH,TT&DL) có văn bản tham mưu Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, trong đó nêu rõ: “Nếu lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không thực hiện theo cam kết trong Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa sẽ tham mưu Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xem xét khả năng đưa lễ hội này ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”. Cục Di sản văn hóa sẽ ra soát lại toàn bộ quy trình thực hành Di sản văn hóa phi vật thể lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Từ đó đến nay, đã có không ít tranh luận về việc nên hay không tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và những lễ hội mang phong tục hiến sinh. Trước đó, một số lễ hội chọi trâu đã bị Bộ VH,TT&DL yêu cầu dừng tổ chức như lễ hội chọi trâu Phúc Thọ (Hà Nội), lễ hội cầu trâu Phú Thọ, lễ hội treo đầu trâu ở Yên Bái…
Những lễ hội này mang nhiều yếu tố bạo lực, và hơn hết là được tổ chức thời gian gần đây chứ không phải là lễ hội truyền thống. Bộ VH-TT&DL chỉ cho phép tổ chức một lễ hội chọi trâu duy nhất là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bởi đây là lễ hội có từ hàng trăm năm nay, được nhân dân Đồ Sơn tổ chức thường niên và trở thành lễ hội truyền thống mang tính quốc gia.
Chính vì tính chất khác biệt của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nên đến nay có không ít tranh cãi về đặc thù văn hóa và tính chất bạo lực của lễ hội này. Đã có ý kiến cực đoan cho rằng, đã cấm chọi trâu thì cấm hết, không nên có sự ngoại lệ nào. Tuy nhiên, các nhà khoa học, những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian lại có những cách nhìn khác.
GS Tô Ngọc Thanh nêu ý kiến tại cuộc họp ở Bộ VH,TT&DL sáng 7-9. (Ảnh - Thanh Hà) |
Trong cuộc họp sáng nay tại Bộ VH-TT&DL, 16 ý kiến đóng góp của các nhà văn hóa đều nhất trí việc tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được gọi là di sản rất xứng đáng, vì đây là hoạt động tín ngưỡng gắn bó với đời sống của người dân Đồ Sơn từ hàng trăm năm nay. GS Tô Ngọc Thanh cho rằng, nên góp ý để lễ hội tổ chức tốt lên chứ không thể cấm, nếu cấm như vậy thì sẽ chẳng còn lễ hội dân gian nào ý nghĩa nữa.
TS Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng cho rằng, cái gì cũng bắt nguồn từ dân. Lễ hội chọi trâu tồn tại hay không sẽ do cộng đồng người dân Đồ Sơn quyết định chứ không phải Bộ hay các nhà khoa học. GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia đồng tình, lễ hội chọi trâu là di sản văn hóa, không phải ai thích thì cho tổ chức, không thích thì thôi.
“Đã là di sản văn hóa thì đừng có so bề cao thấp vì mỗi di sản có tính vùng miền khác nhau. Các nhà khoa học và cơ quan quản lý chỉ có tính chất định hướng, còn quyết định tổ chức hay không phải là người dân”, GS Vũ Minh Giang khẳng định.
GS Nguyễn Chí Bền cũng góp thêm ý kiến ủng hộ lễ hội: “Không thể cấm các di sản văn hóa phi vật thể theo tư duy thời chiến tranh và bao cấp. Tôi ủng hộ tiếp tục lễ hội chọi trâu, tuy nhiên duy trì như cũ thì không được. Giải pháp là phải đổi mới tổ chức lễ hội, chúng ta đang nói đến con vật chứ không phải con người. Con vật nằm ngoài tầm tay của chúng ta, không thể tiên liệu”.
Cần giải pháp chứ không phải lệnh cấm
16 nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa có mặt trong buổi lấy kiến tại Bộ VH-TTDL đều đồng loạt nhất trí việc tiếp tục duy trì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều nhận định, cách tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn còn những tồn tại nhất định như việc thương mại hóa, giết mổ và bán thịt trâu tươi bừa bãi, thiếu sự quản lý, thiếu phương pháp bảo vệ an toàn…
Việc cần thiết cần làm là Bộ VH-TT&DL, UBND TP Hải Phòng và BTC lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cùng nhiều cơ quan quản lý chức năng khác là cần đưa ra những giải pháp để sao cho lễ hội tổ chức an toàn, văn minh.
GS Tô Ngọc Thanh nêu ý kiến về hiện tượng người dân mua trâu sau khi nuôi dưỡng còn phải đóng vài chục triệu mới được vào hàng ngũ trâu chọi để tham gia lễ hội. Thế nên mới có chuyện 1kg thịt trâu có giá 5 triệu đồng. Những hiện tượng nêu trên cần có sự vào cuộc của cơ quan, chính quyền địa phương thì mới mong hạn chế được tình trạng thương mại hóa lễ hội.
TS Trần Hữu Sơn cũng nhận định, cơ chế thị trường làm cho mục đích chức năng của lễ hội bị thay đổi, ví như khi biến lễ hội thành sản phẩm du lịch, các đơn vị đã tận thu, đẩy giá dịch vụ.
GS Trần Lâm Biền đóng cho rằng, những giải pháp xây dựng tường rào chắc chắn hơn cũng chỉ mang tính tình thế. BTC lễ hội cần có chiến lược xây dựng mô hình đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ngay cả việc giết thịt trâu sau lễ hội cần phải được xem xét lại và quản lý chặt chẽ để không mất đi tính tâm linh. Trong lịch sử, lễ hội chọi trâu không giết trâu.
Trước ý kiến đóng góp của các nhà văn hóa, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết, việc các nhà khoa học đều thống nhất tiếp tục lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn là tin vui cho người dân Đồ Sơn và thành phố Hải Phòng. Trước mắt, Bộ VH-TT&DL đề nghị gạt bớt trâu tham gia chọi, mỗi phường chỉ có một trâu giải nhất của năm trước tham gia năm sau. Những lễ hội chọi trâu năm sau bỏ vòng đấu loại, chỉ nên để một trận đấu duy nhất vào mồng 9-8 âm lịch.
Về tình trạng thương mại hóa trong lễ hội chọi trâu, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND quận Đồ Sơn cần vận động không giết trâu, mổ trâu tại lễ hội nếu còn tổ chức. Trước mắt, BTC cần có biện pháp kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát giá cả tại lễ hội. Bộ đề nghị niêm yết giá trâu bán công khai để tránh giá thịt trâu tăng quá cao.
Tiếp nhận các ý kiến của các nhà văn hóa và sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, ông Hoàng Xuân Minh, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đưa ra những giải pháp khắc phục để tăng cường quản lý lễ hội. Theo đó, BTC sẽ bổ sung các nội dung về tiêu chí các chủ trâu tham gia lễ hội. Việc lựa chọn, huấn luyện và chăm sóc trâu sẽ được thực hiện kỹ lưỡng, cấm tuyệt đối sử dụng chất kích thích. Chủ trâu tham gia lễ hội sẽ phải được lựa chọn thông qua ý kiến bầu của đại biểu cộng đồng dân cư.
Về sân thi đấu, BTC sẽ tăng cường lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ trong sân, xây dựng trại trâu; thành lập hội đồng và tăng cường công tác kiểm tra chất lượng trâu tham gia lễ hội, gia cố đường thoát trâu bằng cọc sắt, thu gọn diện tích sân thi đấu; tập huấn lực lượng bắt trâu, tổ trọng tài điều hành trong sân và hai cổng thoát trâu; quy định số người dắt trâu vào sân thi đấu, vị trí của trọng tài, chủ trâu và trong quá trình thi đấu không có người đứng trong sân; đưa ra các giải pháp xử lý đối với các trâu có biểu hiện bất thường…
Như vậy, với tinh thần của cuộc họp này có thể hiểu, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng sẽ tiếp tục được tổ chức, nhưng sẽ có những biện pháp quản lý, siết chặt an ninh hơn.