Phát triển mạng lưới y tế cơ sở: Giải “bài toán” quá tải cho tuyến trên

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 08/09/2017

(HNM) - Hệ thống y tế cơ sở hiện đã được bao phủ khắp toàn quốc, vậy nhưng người bệnh ở các tỉnh vẫn đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trung ương để khám, chữa bệnh.

Người dân đăng ký khám bệnh tại Phòng khám Đa khoa khu vực (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Ảnh: Linh Ngọc


"Căn bệnh nan y"

Tuyến y tế cơ sở là nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu của gần 90% bệnh nhân bảo hiểm y tế. Thế nhưng, theo Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), hầu hết người dân đều vượt tuyến khi khám, chữa bệnh bởi họ không tin tưởng vào chất lượng của tuyến y tế này. Nghiên cứu tại 4 tỉnh về biến động nhân lực y tế cơ sở thời gian qua cho thấy, số nhân lực y tế chuyển đi hoặc nghỉ việc bằng 50% số tuyển dụng mới. Lý do chủ yếu khiến các bác sĩ không muốn gắn bó với y tế cơ sở vì điều kiện làm việc khó khăn, môi trường làm việc không thuận lợi, ít cơ hội được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và thu nhập thấp, phụ cấp đãi ngộ chưa thỏa đáng...

Ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, hệ thống y tế công lập tại nhiều địa phương trên cả nước còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhất là nguồn nhân lực. Chất lượng y, bác sĩ nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh; thậm chí, nhiều nhân viên ngành Y tế chưa nắm được cách xử trí đúng các bệnh thông thường. Kiến thức của các y, bác sĩ cơ sở còn hạn chế, nhất là trong chẩn đoán và xử trí các bệnh tim mạch, các bệnh nội khoa, sản và các bệnh chuyên khoa lẻ. Tuy nhiên, việc thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở rất khó khăn.

Mới đây, phóng viên Báo Hànộimới có dịp tham gia Đoàn công tác của Bộ Y tế đưa bác sĩ trẻ về huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). Điều đọng lại trong chúng tôi sau chuyến đi là hình ảnh những người dân tộc nghèo, đặc biệt là người già và trẻ em ít được tiếp cận các dịch vụ y tế. Bà Trần Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết: "Tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã là "căn bệnh nan y". Có bệnh viện chỉ vỏn vẹn 6 bác sĩ, không có bác sĩ chuyên khoa I và nhiều huyện còn thiếu hụt các chuyên khoa hỗ trợ. Do đó, có nơi dù có bác sĩ chuyên khoa ngoại, nhưng không có bác sĩ gây mê, hồi sức cấp cứu, nên không thể triển khai phòng mổ...".

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai) cần khoảng 60 bác sĩ, nhưng hiện nay mới chỉ có 29 người. Ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Hà cho biết, một số chuyên khoa quan trọng vẫn chưa có bác sĩ phụ trách. “Trong 10 năm qua không có thêm bác sĩ nào về đây công tác. Bệnh viện cũng không thể thực hiện được khoảng 50% kỹ thuật đúng tuyến mà lẽ ra phải thực hiện” - ông Nguyễn Như Tuấn nói.

Phải coi y tế cơ sở là “gốc”


Khám và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Theo Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020, đạt chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân. Chương trình có 3 dự án thành phần, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tỉnh, huyện, nâng công suất sử dụng giường bệnh ở những nơi có công suất sử dụng thấp. Đồng thời, từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, phấn đấu không để người bệnh phải nằm ghép.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tai nạn thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp đang đặt ra yêu cầu phải tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng. Người bệnh chuyển lên tuyến trên nhiều khi chỉ để lấy sự an tâm. Vì vậy, nếu được đầu tư tốt cả về chất và lượng, người dân sẽ hoàn toàn yên tâm điều trị, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, thay vì lên tuyến trên gây quá tải.

Thực tế ở nhiều địa phương, không ít bệnh viện tuyến huyện, tỉnh sau khi được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, nhưng do thiếu nguồn nhân lực, không thể vận hành tốt theo mục tiêu đề ra. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ có từ 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sau khi bác sĩ tình nguyện rời các huyện nghèo, ai sẽ là người có thể lấp vào khoảng trống này. Vì vậy, dự án sẽ hướng tới mục tiêu mở rộng đối tượng tuyển chọn, tìm người của chính nơi đó để đưa đi đào tạo, sau đó trở về làm việc tại địa phương. Tuy nhiên, đây thực sự là thách thức không nhỏ đối với ngành Y tế.

Để y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho xã hội và hướng tới sự hài lòng của người dân, ngành Y tế cần phải có những bước đột phá cả về chất và lượng. Đã đến lúc phải làm quyết liệt, nghiêm túc, củng cố hệ thống y tế cơ sở theo đúng nghĩa, coi y tế cơ sở là “gốc”, là nơi chăm sóc ban đầu và gần dân nhất.

Thu Trang