Giảm thiệt hại không đáng có
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:04, 09/09/2017
Vậy nhưng, để đưa được hàng hóa vào các nước, đặc biệt là những thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu,… là điều không hề dễ dàng. Các doanh nghiệp trong nước phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào các nước này. Tuy nhiên, chỉ cần thiếu thông tin, thiếu hiểu biết là doanh nghiệp có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội để xuất khẩu.
Một ví dụ điển hình là gần đây, hàng loạt doanh nghiệp đang xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ đã bị loại khỏi thị trường này do không nắm bắt kịp thời những thay đổi về chính sách nhập khẩu của Mỹ. Thậm chí, trong 7 tháng qua Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã có 32 lệnh cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, do không đáp ứng những quy định mới về nhập khẩu. Đây là điều đáng tiếc, nhất là với những doanh nghiệp, ngành hàng coi Mỹ là thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Thực trạng trên cho thấy, vấn đề thiếu thông tin thị trường luôn là một trong những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Không ít doanh nghiệp thường lúng túng, loay hoay tìm kiếm thông tin về thị trường, đối tác, luật pháp, chính sách thương mại… của nước nhập khẩu. Mặc dù hiện nay với công nghệ thông tin phát triển, việc tìm kiếm thông tin không quá khó. Song, do rào cản ngôn ngữ, trình độ am hiểu những quy định mới của luật pháp… nên không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng vượt qua.
Vấn đề đặt ra là làm gì để khắc phục tình trạng đó?
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước ngày càng dựng lên các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, nếu không nắm bắt, cập nhật thường xuyên những thay đổi về chính sách thương mại, luật pháp, cơ chế quản lý nhập khẩu, thủ tục hải quan… của các nước, doanh nghiệp sẽ chịu những thiệt hại đáng kể. Do vậy, về phía các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước... cần cung cấp cho doanh nghiệp thông tin thị trường; phổ biến, tuyên truyền kịp thời những thay đổi trong chính sách, quy định nhập khẩu của các nước. Qua đó, giúp các doanh nghiệp có biện pháp ứng phó hiệu quả, điều chỉnh sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường.
Ngoài việc thông qua các kênh hội thảo, tập huấn, truyền thông, cơ quan chức năng cần xây dựng trang thông tin về diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Trang thông tin này cần cung cấp cũng như đưa ra những khuyến cáo kịp thời, bảo đảm cho doanh nghiệp có lộ trình chuyển đổi hoạt động sản xuất, thủ tục cần thiết để đáp ứng yêu cầu thay đổi trên thị trường.
Về phía doanh nghiệp cũng cần chủ động làm việc thường xuyên với các đơn vị tư vấn thị trường tại Việt Nam để nắm bắt kịp những quy định mới cũng như hoàn thiện những thủ tục pháp lý liên quan để giảm thiểu những rủi ro trong hoạt động xuất nhập khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tự “nâng cấp” mình bằng cách nghiên cứu, cải thiện hoạt động sản xuất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, từng bước tháo gỡ những nút thắt, rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước.
Thị trường xuất khẩu với Việt Nam còn nhiều tiềm năng, do vậy doanh nghiệp cần khắc phục các điểm yếu về nắm bắt thông tin để giảm những thiệt hại không đáng có.